Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII

15:11 - Thứ Sáu, 09/08/2024 Lượt xem: 3453 In bài viết

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thuỷ vừa ký ban hành Kế hoạch số 3317/KH-BVHTTDL về việc tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024.

Ảnh minh họa. 

Liên hoan do Bộ VHTTDL chỉ đạo, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, TTXVN; UBND các tỉnh, thành phố tham gia Liên hoan và TP Hà Nội tổ chức.

Đơn vị thực hiện là các cơ quan chức năng thuộc Bộ VHTTDL; Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố tham gia Liên hoan; các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, văn hóa dân tộc tại các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và các địa phương.

Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật hát Then, đàn Tính truyền thống.

Liên hoan dự kiến diễn ra từ ngày 15 – 17/11/2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, thành phố Hà Nội, với sự tham dự của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái đang sinh sống, học tập, làm việc tại địa bàn 15 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng.

Trong 3 ngày diễn ra Liên hoan sẽ có nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc, bao gồm: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống là các mô hình, hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục của đồng bào dân tộc (Tày, Nùng, Thái) tiêu biểu của địa phương; tranh, ảnh, sách, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, kiến trúc nhà ở nhằm phản ánh nghệ thuật hát Then, đàn Tính truyền thống của đồng bào; những thành tựu trong sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP địa phương do đồng bào tham gia sản xuất; những sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu của địa phương; trình diễn, giới thiệu các quy trình, thao tác, nguyên liệu, dụng cụ truyền thống dệt thổ cẩm và chế tác đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Ngoài ra còn có trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống dân tộc Tày, Nùng, Thái tiêu biểu của địa phương; biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính gồm hát, múa trong Then (Then cổ và Then mới); hòa tấu đàn tính với các nhạc cụ dân tộc khác.

Bên cạnh đó là trưng bày ảnh “Di sản nghệ thuật hát Then - đàn Tính”; trình chiếu phim tài liệu về Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tại khu vực Hồ Gươm sẽ trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Then trong đời sống các dân tộc Tày, Nùng, Thái”; triển lãm ảnh "Di sản nghệ thuật hát Then, đàn Tính" và các hoạt động đặc sắc khác.

Việc tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; tạo điều kiện để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Liên hoan cũng là một trong các hoạt động góp phần xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật hát Then, đàn Tính truyền thống trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Liên hoan cũng là dịp bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" đã được UNESCO ghi danh vào ngày 12/12/2019 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14.

Theo Kế hoạch, yêu cầu nội dung hoạt động của Liên hoan được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí. Đồng thời, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, của khu vực và của địa phương. Đảm bảo tính thống nhất, khoa học, linh hoạt trong công tác chỉ đạo giữa Bộ VHTTDL, UBND các tỉnh, thành phố tham gia Liên hoan.

Các chương trình tham gia Liên hoan phải được chuẩn bị chu đáo, có nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân, đề cao vai trò của chủ thể văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái, đảm bảo yếu tố bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát Then, đàn Tính truyền thống của đồng bào gắn với các yếu tố thời đại.

Các nội dung hoạt động của Liên hoan phải do các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên là người dân tộc Tày, Nùng, Thái thực hiện…

Theo ĐCSVN
Bình luận
Back To Top