Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam thu hơn 344 tỷ đồng tiền bản quyền

07:27 - Thứ Bảy, 17/08/2024 Lượt xem: 3648 In bài viết

Năm 2023, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thu tổng tiền bản quyền (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là hơn 344 tỷ đồng. Báo cáo của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới - CISAC năm 2023, từ năm 2019 - 2022, VCPMC đứng thứ 1 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng trong thị phần bản quyền âm nhạc trên nền tảng số.

Đây là thông tin được Tổng Giám đốc VCPMC – nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết vào ngày 16/8 khi trao đổi với báo chí về những vấn đề liên quan đến quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mà nhạc sĩ – tác giả, thành viên của VCPMC đang quan tâm.

Có nhạc sĩ nhận tiền bản quyền âm nhạc quý I/2024 lên đến 1,084 tỷ đồng

Cũng theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, năm 2023, VCPMC đã phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả hơn 305 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2022, số tiền bản quyền thu tại Việt Nam (chưa tính nguồn thu từ CMOs quốc tế) tăng khoảng 29% so với năm 2022. Trong Quý I/2024, nhạc sĩ nhận tiền bản quyền âm nhạc từ VCPMC nhiều nhất là 1,084 tỷ đồng. Quý II/2024, nhạc sĩ nhận tiền bản quyền âm nhạc nhiều nhất là 852 triệu đồng... Tuy nhiên, ông Cẩn từ chối tiết lộ danh tính cụ thể vì chưa được sự cho phép của các nhạc sĩ này.

Tổng Giám đốc VCPMC - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn trao đổi với báo chí ngày 16/8.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cũng cho hay, hiện nay, VCPMC là đại diện duy nhất của Việt Nam trở thành thành viên chính thức của CISAC. Tính đến tháng 8/2024, VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 88 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới có phạm vi điều chỉnh ở 227 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với những cam kết ràng buộc này, Trung tâm hiện là tổ chức đại diện quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam có quyền đại diện, bảo vệ lợi ích của hơn 6.400 tác giả trong nước và hơn 5 triệu tác giả âm nhạc trên thế giới. Tiền bản quyền mà các tổ chức quốc tế có hợp tác song phương với VCPMC thu được chuyển về cho tác giả Việt Nam thông qua VCPMC đã tăng hơn trong những năm gần đây và được phân phối cho các tác giả theo từng kỳ. Các tác phẩm âm nhạc Việt Nam của tác giả thành viên VCPMC được cấp phép, thu tiền ở 227 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo VCPMC, hiện nay Trung tâm đang khai thác và cấp phép gần 30 lĩnh vực có sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh thương mại. Các lĩnh vực này được VCPMC quản lý và cấp phép bởi hai bộ phận chính. Trong đó, bộ phận nhạc nền (Offline) bao gồm các lĩnh vực: Phát thanh truyền hình, trung tâm thương mại, quán café, nhà hàng, quán bar, vũ trường…. Ngoài hai địa bàn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, VCPMC đang thực hiện cấp phép bao phủ toàn bộ các tỉnh thành trên phạm vi cả nước.

Đối với các lĩnh vực Digital, VCPMC đã và đang thực hiện cấp phép cho hầu hết các nền tảng âm nhạc bao gồm các ứng dụng, Website, các mạng xã hội trong nước và quốc tế như Youtube, Facebook, Tiktok, Apple, Sportify, Zingmp3, nhaccuatui…. VCPMC cấp phép và thu tiền từ hàng trăm website/ứng dụng có sử dụng âm nhạc tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Tiền bản quyền âm nhạc lĩnh vực Digital đối với các Website/app, nền tảng âm nhạc nêu trên mà VCPMC thu được chiếm khoảng 86% nguồn thu của tất cả các lĩnh vực.

Vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện bản quyền tác giả 

Đáng chú ý, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn còn cho biết, quản lý và cấp phép Offline này đang gặp nhiều khó khăn do ý thức thực hiện bản quyền tác giả âm nhạc đối với các đơn vị chưa tốt, đồng thời do khủng hoảng kinh tế nên các đơn vị cũng cắt giảm chi phí hoạt động dẩn đến nguồn thu tiền bản quyền từ lĩnh vực này chưa đạt như kỳ vọng và mực tiêu đề ra.

Phát hành âm nhạc trực tuyến mang lại nguồn thu đáng kể cho các tác giả.

Vì nhiều lý do, thời gian qua, khá nhiều tác giả chịu thiệt hại, rủi ro khi uỷ quyền tác giả cho các công ty khác. Lý do là ngoài hình thức hợp đồng ủy quyền quản lý khai thác quyền tác giả, công ty còn ký với rất nhiều những hình thức khác, gây nhầm lẫn nhiều nội dung cho tác giả. Các công ty này thường không cho phép tác giả đơn phương chấm dứt hợp đồng và đặt ra các điều khoản phạt và yêu cầu bồi thường thiệt hại rất lớn nếu tác giả muốn chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp tác giả muốn đơn phương chấm dứt, họ thường phải khởi kiện ra tòa. Có nhiều trường hợp tác giả đã phải theo đuổi vụ kiện kéo dài hơn 3 năm, và trong thời gian này, tác phẩm không thể được khai thác, gây thiệt hại đáng kể cho tác giả.

“Các hợp đồng thường bao gồm quyền sử dụng, quản lý và cấp phép quyền tác giả, thường ở dạng độc quyền. Điều này dẫn đến việc tác giả không thể thu được tiền bản quyền từ việc sử dụng trực tiếp của công ty tư nhân đó. Đồng thời, khi công ty khai thác tác phẩm, họ thường áp đặt các hạn chế đối với việc sử dụng tác phẩm bởi các bên khác (đặc biệt là trên môi trường internet). Điều này có thể làm giảm sút đáng kể tiền bản quyền mà tác giả nhận được”.

“Một số hợp đồng không quy định rõ thời hạn hoặc quy định thời hạn vĩnh viễn hoặc quy định không có thời hạn như trong Hợp đồng chuyển nhượng hay Hợp đồng thuê sáng tác bài hát cũng có nghĩa là vĩnh viễn, kèm theo điều khoản không được chấm dứt trước thời hạn. Điều này có thể dẫn đến hậu quả giống như việc tác giả bán đứt tác phẩm của mình (trong khi đó pháp luật quy định thời hạn bảo hộ tác phẩm âm nhạc là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời)”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chỉ rõ.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top