Dù trưởng thành đến đâu, trước cha mẹ vẫn là bé nhỏ

09:27 - Thứ Hai, 19/08/2024 Lượt xem: 3599 In bài viết

“Hãy về với cha” (NXB Hội Nhà văn) như một khe nước nhỏ bên ruộng vườn cứ len lỏi chảy vào khắp mạch ngầm nơi trái tim người đọc và làm sáng rõ từng ngóc ngách của đời sống, từng nghĩ suy trong tâm trí con người.

Đây là cuốn sách mới nhất của tác giả Hàn Quốc Shin Kyung-Sook sau 10 năm vắng bóng trên văn đàn kể từ cuốn sách rất được yêu thích “Hãy chăm sóc mẹ”. Tác phẩm khắc họa sâu sắc tình cảm gia đình, đặc biệt là nỗi niềm sâu kín trong lòng của một người cha nông dân đáng kính.

Bìa cuốn sách “Hãy về với cha”.

Những ngày thơ bé chúng ta luôn ở bên cạnh cha mẹ, được cha mẹ chăm sóc, bảo vệ. Chúng ta lớn dần, có ước mơ và rời xa làng quê, cha mẹ. Những lo toan, vấn đề của một người trưởng thành ngày càng khiến ta ít có thời gian cho đấng sinh thành. Có lẽ chúng ta quên mất một điều quan trọng rằng, có thể cha mẹ ta đang cần một bờ vai, cần một người lắng nghe những nỗi buồn, những ước mơ, hay nỗi thống khổ đã chiếm trọn đời họ. Cho đến khi, như nữ nhà văn Heon trong cuốn sách, trở về làng quê chăm sóc người cha già yếu đang một thân một mình, mới nhận ra hóa ra “cha” đã có một cuộc đời như thế. Không chỉ một cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, không chỉ một cuộc đời vì con cái; mà còn là cuộc đời của một con người bình thường với những khát khao, những kiếm tìm, những lựa chọn, những giá như, những áy náy vẫn khắc khoải từ thời thanh xuân cho đến năm tháng sau cuối đời người.

“Hãy về với cha” bình dị mà sâu sắc và cũng cho thấy rằng, tình cảm con người đơn giản mà phức tạp. Chúng ta yêu thương cha mẹ, yêu thương anh em hay cha mẹ yêu thương con cái là điều chân thật, là điều không toan tính. Nhưng không phải lúc nào những yêu thương mà ta trao đi cũng được người nhận hiểu đúng như ý muốn của ta. Mỗi người có một góc nhìn khác nhau, ta thấu hiểu khi đặt mình ở vị trí của người thân, ta làm điều này điều khác vì hiểu được những khó xử của người thân. Nhưng, dường như chúng ta đều có chút vị kỷ, dẫu rằng những nghĩ suy ấy có khi ta chỉ giữ cho riêng mình.

Một điều thật hay của cuốn sách, là hình ảnh người cha được hiện lên dưới góc nhìn của nhiều người con khác nhau và dưới góc nhìn của người vợ, người cháu, người bạn thân thiết. Điều này không chỉ thể hiện được, bằng tình yêu thương “cha” đã làm nhiều điều thật phi thường cho các con, nhưng “cha” cũng là một người bình thường, một người không toàn vẹn, một người có thể từng sai lầm, từng bước về phía trước rồi quay trở lại. Người cha vô danh ấy đã dạy ta bài học rằng: “Cuộc sống không nhất thiết lúc nào cũng phải tiến về phía trước. Nếu nhìn lại thấy đằng sau tốt hơn, chúng ta vẫn có thể quay lại cơ mà”. Và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của gia đình là ta luôn “nỗ lực thấu hiểu những người thân không toàn vẹn”, không hoàn hảo ấy. Bởi thế, khi ta cảm thấy tức giận, khi ta cảm thấy mình đang chịu thiệt thòi, hãy nghĩ chậm lại một chút để chấp nhận, để hiểu cho những điều không hoàn hảo và rồi ta lại thấy yêu thương họ biết bao.

Nhân vật tôi trong cuốn sách ôm trong mình nỗi đau đớn mất đi con gái và gần như đoạn tuyệt với tất cả. Nhưng về với cha, với những ký ức tuổi thơ yên bình trong trẻo; những vết thương tưởng chừng không thể lành ấy dần được vỗ về, hàn gắn. Bởi thế, trước cha mẹ, trước nỗi niềm và yêu thương cha mẹ dành cho ta, dù có trưởng thành đến đâu ta cũng thật nhỏ bé. Vì thế, hãy cứ về với cha, hãy trở về bên mẹ.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top