Vấn đề kỳ này

Đánh thức di sản văn hóa

15:19 - Thứ Năm, 22/08/2024 Lượt xem: 3663 In bài viết

ĐBP - Với cộng đồng 19 dân tộc, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc trưng đã tạo nên sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Điện Biên có 20 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trong đó nghệ thuật xòe Thái và then Tày, Nùng, Thái là 02 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh có 33 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh được công nhận, xếp hạng; quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ là di tích cấp quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra tỉnh có 37 lễ hội truyền thống, 41 nghệ nhân ưu tú - những người am hiểu và gìn giữ, trao truyền giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Phụ nữ dân tộc Lào trong trang phục truyền thống bên tháp cổ Chiềng Sơ (xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông). Ảnh: Mai Giáp

Sự phong phú của hệ thống di sản văn hóa các dân tộc đã tạo nên không gian văn hóa Điện Biên vô cùng đa dạng, đặc sắc. Đây cũng chính là tiềm năng để tỉnh khai thác, phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch cộng đồng vốn đã được tỉnh xác định lấy du lịch là kinh tế mũi nhọn. Việc phát triển du lịch dựa trên ba trụ cột chính là du lịch lịch sử - tâm linh văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe trên cơ sở khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc.

Năm nay Điện Biên được chọn là địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để tỉnh khai thác tiềm năng di sản văn hóa phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch; quảng bá và thu hút du khách tìm hiểu, trải nghiệm và khám phá. Cùng với chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển. Du khách đến với Điện Biên nhiều hơn vừa tham quan, trải nghiệm vừa tìm hiểu văn hóa các dân tộc nên số ngày lưu trú tăng lên, tạo hiệu ứng lan tỏa hình ảnh Điện Biên tới mọi miền đất nước. Thống kê 6 tháng năm 2024, Điện Biên đón gần 1,37 triệu lượt khách (tăng gấp 2,19 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt 5,38% so với kế hoạch năm), trong đó trên 6.800 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 2,26 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt 12,5% so với kế hoạch năm.

Những con số trên cho thấy Điện Biên đã và đang từng bước khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch về văn hóa, ẩm thực các dân tộc. Tuy nhiên, thực tế việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch chưa được thực hiện hiệu quả, thiếu các dịch vụ, sản phẩm chất lượng, ấn tượng. Việc bảo tồn, phục dựng, xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch văn hóa, trải nghiệm, ẩm thực... chưa phong phú, thiếu sự liên kết. Nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc đang bị mai một, chưa có giải pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả. Trong khi đó, các nghệ nhân ưu tú - những người am hiểu, nắm giữ, trao truyền giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tuổi ngày càng cao mà thế hệ trẻ ít người muốn tìm hiểu, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Sự tác động của cơ chế thị trường, công nghệ hiện đại đang tạo áp lực và thách thức đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đơn cử như nghề rèn của người Mông, thêu giày của người Xạ Phang giờ đây gần như mang tính tự cung tự cấp trong mỗi gia đình không tạo thành sản phẩm hàng hóa khi ai cần chỉ ra chợ, thậm chí đặt trên mạng internet, hàng đưa về tận nhà.

Lễ cúng cầu may cầu nước. Ảnh: QĐND

Mỗi nếp nhà, mỗi phong tục, tập quán của mỗi dân tộc đã làm nên một Điện Biên giàu bản sắc văn hóa. Hệ thống di sản văn hóa các dân tộc ở Điện Biên đã tạo nên không gian văn hóa đặc sắc cho địa phương. Di sản văn hóa là tài nguyên vô giá, nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch nếu biết cách khai thác, phát huy tốt giá trị. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh “gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”. Do đó, để khai thác tiềm năng di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, Điện Biên cần đánh giá, tìm nguyên nhân và có giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo tồn, xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa, cộng đồng...

Tăng cường tuyên truyền là một giải pháp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị và mỗi người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thực hành văn hóa truyền thống. Hình thức, nội dung tuyên truyền cần linh hoạt, đa dạng, dễ hiểu, phù hợp với đặc thù, nét văn hóa từng dân tộc. Đưa nội dung giáo dục di sản văn hóa vào trường học, tạo động lực khuyến khích thế hệ trẻ tìm hiểu, tiếp nối truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Chú trọng quảng bá nét đẹp văn hóa độc đáo của các dân tộc ở Điện Biên đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Nhân dân vui Tết té nước tại bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Ảnh: QĐND

Nâng cao đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh qua việc hỗ trợ sinh kế. Xây dựng các mô hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, ẩm thực... dựa vào tài nguyên văn hóa các dân tộc. Thực hiện mô hình bản văn hóa theo từng dân tộc như: Mông, Thái, Hà Nhì… tạo điều kiện để du khách trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc.

Một giải pháp quan trọng cần quan tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch để tham mưu, đề xuất phương án, kế hoạch phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Bằng việc xác định rõ nguyên nhân, có giải pháp phù hợp, hệ thống di sản văn hóa của Điện Biên sẽ được đánh thức, khai thác, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch. Trong quá trình phát triển du lịch cần quan tâm bảo tồn di sản văn hóa để du lịch phát triển bền vững và gìn giữ di sản văn hóa cho thế hệ sau.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top