Xứng danh “Thiên cổ đệ nhất trà” (bài 2)

06:21 - Thứ Bảy, 24/08/2024 Lượt xem: 3780 In bài viết

Bài 2: Đưa hương Trà sen Tây Hồ bay xa

ĐBP - Nghề thủ công truyền thống ướp Trà sen Quảng An vừa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tin vui để thành phố Hà Nội quyết tâm thực hiện các biện pháp bảo tồn, quảng bá và phát triển giá trị sen Tây Hồ. Việc ghi danh không chỉ là niềm tự hào của người dân Hà Nội, nghề thủ công truyền thống này mà còn là động lực để các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đây cũng là cơ hội để hương Trà sen Tây Hồ tiếp tục bay xa, lan tỏa rộng rãi hơn nữa giá trị văn hóa và du lịch của Hà Nội đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bài 1: Người “dệt” hương cho trà

Vinh danh Danh mục di sản Quốc gia

Không phải ngẫu nhiên mà sen Tây Hồ luôn đứng ở vị trí đẳng cấp hơn sen các vùng khác. Bởi nơi đây được nuôi dưỡng bằng lớp bùn tích tụ suốt hàng thiên niên kỷ, dày từ 0,7 đến 1,2 m - điều mà hiếm đầm nào có được. Ướp trà sen ở Quảng An đã trở thành một nghề thủ công quan trọng của người dân xóm Mẩu nơi đây. Do khí hậu, nguồn nước và thổ nhưỡng đặc biệt, Hồ Tây nổi tiếng với giống sen quý cánh kép, có hương thơm ngào ngạt, còn được gọi là sen Bách Diệp. Bằng bàn tay khéo léo, cần mẫn và bí quyết, kinh nghiệm ướp trà sen từ bao đời truyền lại, người Quảng An đã tạo ra sản phẩm trà quý, có giá trị kinh tế cao.

Trong chuyến công tác tại TP. Hà Nội gần đây, chúng tôi được ghé thăm Trung tâm Giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch của quận Tây Hồ. Có thưởng thức mới thấy dù đã hết tuần trà từ lâu thì vị thanh ngọt của trà, hương thơm dịu nhẹ của hoa vẫn lẩn khuất trong hậu vị tròn đầy, đan trong từng hơi thở, làm cho người thưởng thức cũng ngỡ mình như một đóa sen thơm. Trò chuyện cùng các nghệ nhân, thế hệ “trưởng bối,” bậc cao niên người làng Quảng An mới thấy, để tạo ra được thành phẩm trà sen thực vô cùng dụng công. Hiện nay, trên địa bàn quận Tây Hồ có 129 người làm trà sen, cho sản lượng bình quân 600 - 800kg trà khô/năm, 50.000 bông trà sấy lạnh và 60.000 bông trà hoa tươi. So với các vùng đất khác, sản phẩm trà ướp sen Tây Hồ lưu lại hương thơm và đậm đà hơn. Mặc dù vậy, cấp ủy, chính quyền quận không khỏi băn khoăn, trăn trở làm thế nào để nghề ướp trà sen không bị mai một. Theo Hồ sơ di sản Trà sen Quảng An do Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội xây dựng, từ năm 2015, di sản văn hóa phi vật thể nghề làm Trà sen Quảng An đã được Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội kiểm kê và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ. Đến năm 2020, Quận ủy Tây Hồ cũng đưa ra Chương trình “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế; chú trọng phát triển ngành dịch vụ du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống của quận”, trong đó có các đề án phát triển trồng hoa sen tại các ao, hồ trên địa bàn quận. Thực hiện chương trình này của Quận ủy, UBND quận đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả khảo sát các hồ xung quanh Hồ Tây trên địa bàn phường Quảng An và Nhật Tân; tìm hiểu thực trạng sản xuất, tiêu dùng trà sen trên địa bàn quận và đưa ra một số giải pháp duy trì, phát triển các đầm sen và sản xuất trà sen trên địa bàn quận.

Với những giá trị đặc biệt, nghề thủ công truyền thống ướp Trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa được vinh danh đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô. Đây cũng là tin vui để thành phố Hà Nội quyết tâm thực hiện các biện pháp bảo tồn, quảng bá và phát triển giá trị sen Tây Hồ; tiếp tục gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đồng thời, quảng bá rộng rãi hơn nữa giá trị văn hóa và du lịch của Hà Nội đến với du khách trong nước và quốc tế; thúc đẩy sự phát triển của du lịch và kinh tế địa phương.

Quyết tâm bảo tồn, phát triển

Thực tế, nghề ướp Trà sen Quảng An hiện đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức như diện tích trồng sen ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Do vậy, người Quảng An phải đi đến các vùng ngoại thành Hà Nội thuê đầm trồng sen như quận Bắc Từ Liêm, huyện Phú Xuyên, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn; ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của sen. Ngoài ra, sản phẩm còn bị làm giả, không đảm bảo chất lượng, pha lẫn hóa chất; lớp nghệ nhân làm nghề ướp trà sen theo phương thức truyền thống đang dần mai một… Bên cạnh đó, trà sen bông đang dần lấn át trà sen khô do quy trình làm trà sen khô làm hoàn toàn thủ công, chỉ dựa vào đôi bàn tay khéo léo và kinh nghiệm của người làm trà, tốn rất nhiều thời gian, công sức mà năng suất thấp. Trong khi đó, làm trà sen bông có nhiều ưu điểm như: Giá thành rẻ hơn, thị trường tiêu thụ rộng rãi; quy trình ướp trà đơn giản với số lượng lớn và lãi suất cao hơn. Vì vậy, phần lớn các gia đình làm trà sen ở Quảng An đều chọn làm trà sen bông, còn ướp trà sen khô chỉ còn lác đác ở một số gia đình.

Thực trạng trên cũng là điều mà nhiều năm qua, lãnh đạo quận Tây Hồ băn khoăn, trăn trở. Bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Nhằm khôi phục mạnh mẽ nghề thủ công truyền thống ướp Trà sen Quảng An, UBND TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phát triển, mở rộng diện tích trồng sen Bách Diệp nhằm tôn vinh giá trị sen Hồ Tây và góp phần giữ gìn nghề truyền thống ướp trà sen nơi đây. Đồng thời, nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp, năm 2024, UBND quận phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ, Hà Nội.” Mô hình triển khai thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7ha, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội hỗ trợ 50% giống sen Bách Diệp (tương đương 7.000 cây); 50% vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… Đây là tiền đề quan trọng để tạo không gian giao lưu văn hóa nhằm khai thác hiệu quả địa điểm dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn quận. Tiêu biểu là Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 sau khi tổ chức thành công đã được không ít nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao hiệu quả, hiệu ứng của sự kiện; đồng thời cho rằng, chương trình đã để lại dấu ấn đậm nét, dư âm tốt đẹp trong lòng đông đảo người dân và du khách.

Để hương Trà sen Tây Hồ tiếp tục bay cao, vươn xa, thời gian tới, quận Tây Hồ quy hoạch, khai thác các điểm tham quan, ẩm thực, trải nghiệm về sen trên địa bàn để thu hút du khách trong và ngoài nước một cách bền vững. Cùng với việc nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Thủ đô Hà Nội càng thêm quyết tâm thực hiện các biện pháp bảo tồn, quảng bá và phát triển giá trị sen Tây Hồ, mở ra chặng đường mới cho nghề thủ công truyền thống độc đáo của đất kinh kỳ có cơ hội phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Thu Hằng – Mai Phương
Bình luận
Back To Top