Dưới tháp cổ Mường Luân

10:12 - Thứ Tư, 28/08/2024 Lượt xem: 4604 In bài viết

ĐBP - Kiến trúc nghệ thuật tháp cổ Mường Luân thuộc bản Mường Luân 1, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) được xây dựng vào giữa thế kỷ XVI. Trải qua gần 500 năm, tháp cổ Mường Luân vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử, khắc sâu tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Biểu tượng tháp cổ Mường Luân đã hình thành nên giá trị văn hóa, sự thống nhất về nhận thức và định hướng hành vi cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng các dân tộc nơi đây. Cảm nhận đầu tiên của mỗi người khi đến địa phương nơi thượng nguồn sông Mã này là sự bình yên với những con người thật hiền và mến khách.

Người có uy tín Lò Văn Lám trao đổi với bà con người Thái và người Lào về công tác bảo vệ, giữ gìn tháp Mường Luân.

“Tôi đã đi nhiều nơi, trải nghiệm cuộc sống ở nhiều vùng miền khác nhau, nhưng chưa thấy nơi nào người dân lại thân thiện, đoàn kết như ở Mường Luân. Cuộc sống người dân nơi đây thật yên bình! Khi tiếp xúc, trò truyện với họ cho tôi cảm giác gần gũi như đã thân thiết từ rất lâu rồi!” - chị Đào Hương Lan, ở quận Tây Hồ, TP. Hà Nội chia sẻ khi chị đến Điện Biên và tham quan tháp cổ Mường Luân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Thuộc lưu vực của sông Mê Kông và đầu nguồn sông Mã, các bãi bồi ven sông suối đất đai màu mỡ, thuận lợi cho con người sinh sống và trồng cấy. Vào mùa nước lên, con sông mang lại tôm cá, nước tưới và bồi đắp phù sa cho đất đai màu mỡ. Người Lào ở đây chịu khó cấy lúa, trồng bông. Người già chỉ bảo người trẻ, con cháu cách chọn bông, quay sợi, dệt những bộ thổ cẩm bền đẹp để diện trong các nghi lễ quan trọng, như Lễ mừng cơm mới, Tết té nước và Lễ cúng tháp. Người Lào cùng chung sống đoàn kết, hòa thuận với các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... Nhờ lối sống tình cảm, chân thành, mộc mạc của người Lào mà nhiều chàng trai, cô gái Thái, Khơ Mú, Xinh Mun ở Luân Giói, Chiềng Sơ đã về làm dâu, rể trong các gia đình người Lào.

Sản phẩm dệt thổ cẩm là nét văn hóa đặc sắc của người Lào ở Mường Luân.

Thuở xưa, xã Mường Luân chủ yếu người dân tộc Thái sinh sống và sau này có thêm người dân tộc Lào. Họ luôn đoàn kết và thương yêu nhau như người một nhà. Theo già làng Lò Văn Lám thì tháp cổ Mường Luân đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống văn hóa, tập quán và sự đoàn kết của người dân địa phương. Các thế hệ người dân ở bản Mường Luân vẫn truyền tai nhau rằng, năm 1569, Miến Điện tấn công nước Lào, một bộ phận dân chúng vùng thượng Lào chạy sang Điện Biên lánh nạn. Đến năm 1594, chiến tranh kết thúc, một bộ phận người Lào đã định cư lại Điện Biên, trở thành những công dân người Việt gốc Lào. Và tháp Mường Luân được xây dựng từ thời điểm này.

 “Thế đất ở Mường Luân rất đẹp, giống như một người đang đứng mặt hướng về Việt Nam, tựa lưng về đất nước Lào như minh chứng cho tình đoàn kết của hai dân tộc Việt - Lào. Và, họ quyết định cùng nhau xây dựng một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt là tháp Mường Luân!” - ông Lò Văn Lám kể lại.

Một góc xã Mường Luân nhìn từ trên cao.

Mỗi năm, trước Tết Nguyên đán khoảng 5 ngày, thầy cúng sẽ chọn ngày tốt để làm lễ cúng thần linh. Chuẩn bị cho lễ cúng, người dân đóng góp các sản vật của địa phương rồi mang ra chân tháp làm lễ. Bà con dân bản cùng thầy cúng bản (người có uy tín) cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa, lúa ngô tốt tươi, bản mường no ấm, con cháu đầy đàn, khỏe mạnh, hạnh phúc. Đặc biệt, vào dịp đầu xuân các cặp trai, gái và nhân dân quanh vùng lại quây tụ về tháp Mường Luân tổ chức lễ hội “Hốt Nặm”.

Tháp Mường Luân là một di sản văn hóa cổ nơi vùng núi Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia năm 1991. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đây là một công trình kiến trúc có giá trị về mặt nghệ thuật rất lớn. Ngoài giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tháp Mường Luân còn mang ý nghĩa lớn về mối tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào gắn bó keo sơn từ lâu đời. Ngày nay, mối tình đoàn kết ấy vẫn không ngừng được củng cố và vun đắp như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm qua những vần thơ về tình hữu nghị Việt - Lào: “Việt Lào hai nước chúng ta/Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Đoàn viên thanh niên xã Mường Luân chung sức xây dựng nông thôn mới.

Giờ đây, người Lào ở Mường Luân chiếm khoảng trên 30% dân số toàn xã. Chăm chỉ lại có kinh nghiệm với nghề trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, chài lưới trên sông, nên đời sống người Lào ở đây đều ổn định. Chia sẻ về những đóng góp đồng bào dân tộc Lào ở Mường Luân, ông Lò Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Mường Luân cho biết: Cùng với các dân tộc khác, những năm qua cộng đồng người Lào ở Mường Luân luôn chung sức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, họ tích cực, nhiệt tình góp của, góp công xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Mường Luân trở thành xã đầu tiên của huyện Điện Biên Đông cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2018.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top