Xây dựng văn hóa thống nhất trong đa dạng

15:36 - Thứ Tư, 04/09/2024 Lượt xem: 2545 In bài viết

Trong bối cảnh bản sắc văn hóa các dân tộc đối mặt với nguy cơ bị mai một, Hà Giang đang thực hiện nhiều giải pháp gìn giữ, phát triển văn hóa hài hòa, đảm bảo mối quan hệ thống nhất và đa dạng.

Sự thống nhất trong đa dạng là đặc trưng, quy luật phát triển và tạo nên tính hấp dẫn của nền văn hóa. Nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, quá trình hình thành văn hóa Hà Giang gắn bó chặt chẽ với điều kiện tự nhiên, xã hội. Đây cũng là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi sinh sống của trên 87% người dân tộc thiểu số, đặc biệt có 5 dân tộc rất ít người. Mỗi dân tộc đều sở hữu những giá trị văn hóa độc đáo riêng có, gắn với các phong tục, tập quán, lễ hội và nhiều đặc trưng trong chữ viết, tiếng nói, kiến trúc, công cụ sản xuất. Trải qua những thăng trầm lịch sử và điều kiện tự nhiên đặc thù, cộng đồng các dân tộc duy trì, gìn giữ cơ bản những giá trị văn hóa truyền thống, mặt khác sáng tạo thêm nhiều giá trị văn hóa mới phù hợp.

Phụ nữ dân tộc Mông giữ nghề dệt lanh truyền thống.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định: Do điều kiện địa lý, môi trường tự nhiên, Hà Giang có nền văn hóa khác biệt và đa dạng riêng trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Một trong những giá trị làm nên đa dạng, độc đáo và nổi bật trong bức tranh văn hóa Quốc gia chính là Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là nền tảng hình thành văn hóa đặc trưng, thương hiệu du lịch cho tỉnh. Cùng với đó, những đặc sắc từ kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể là bộ phận quan trọng góp phần tạo thống nhất trong đa dạng văn hóa. Tất cả những giá trị đó định vị, xây dựng thương hiệu Hà Giang trong liên kết vùng.

Thời gian qua, tỉnh Hà Giang luôn quan tâm phát triển, đẩy mạnh thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, đầu tư, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị, di sản văn hóa. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh và động lực phát triển KT - XH. Các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch được xây dựng trên tinh thần bảo đảm tôn trọng đa dạng, đặc thù văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lĩnh vực văn hóa ngày càng được nâng cao. Thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ.

Du khách tham quan tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn).

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Hà Giang được định hướng phát triển thành Khu du lịch Quốc gia. Trước bối cảnh thương mại hóa, việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa là “chìa khóa” tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch và xây dựng văn hóa thống nhất, đa dạng. Tỉnh tăng cường chỉ đạo kiểm kê di sản, kiểm tra, đánh giá thực trạng các di tích, danh thắng đã được xếp hạng để tu bổ, tôn tạo. Nhiều chính sách bảo tồn văn hóa được ban hành, triển khai hiệu quả như: Các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; xóa bỏ hủ tục; bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông; giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong trường học…

Từ những chủ trương, định hướng đúng trong công tác bảo tồn đã tạo ra cho Hà Giang những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao. Nổi bật là giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng; đầu tư xây dựng, hoàn thiện chất lượng dịch vụ các điểm du lịch. Quy hoạch vùng du lịch theo các không gian cụ thể gắn với sản phẩm du lịch thương mại, nông nghiệp, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng. Ngành Văn hóa phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy nghề truyền thống, duy trì các Hội nghệ nhân dân gian trong lưu giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ các giá trị văn hóa truyền thống.

Sự đa dạng, thống nhất của văn hóa đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước. Thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ sự đa dạng văn hóa; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn hóa… Góp phần phát triển bền vững, làm đặc sắc bức tranh văn hóa chung.

Bài, ảnh: Linh Cầm
Bình luận
Back To Top