Để tiếp tục phát huy có hiệu quả hoạt động văn hóa cơ sở tại địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương chủ động tổ chức thực hiện các nội dung về tăng cường quản lý hoạt động văn hóa cơ sở.
Trong những năm qua, công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã đạt nhiều kết quả, hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần giáo dục đạo đức, hoàn thiện nhân cách con người. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã được địa phương từng bước quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đổi mới phương thức hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân; nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được phát huy, nhân rộng, góp phần vào việc phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Để sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, hoàn thành các mục tiêu xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quy định tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030.
Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách về xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, đặc biệt là các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, khu vui chơi giải trí, trung tâm văn hóa - thể thao trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách đặc thù định mức hoạt động, mức chi đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền lưu động thuộc thẩm quyền của địa phương theo quy định.
Bên cạnh đó, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, khắc phục tình trạng thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương đã được đầu tư cơ sở vật chất nhưng chưa được sử dụng để tổ chức hoạt động hoặc chưa phát huy hết công năng sử dụng hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân.
Đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các tỉnh, thành phố, các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội; yêu cầu Ban tổ chức lễ hội thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm tổ chức lễ hội trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước.
Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân và du khách trong việc thực hiện nghiêm các quy định, quy chế về tổ chức lễ hội; không đốt đồ mã, vàng mã gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường và công tác phòng, chống cháy nổ.
Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.
Riêng đối với công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các tỉnh, thành phố, các địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường tại Nghị định số 54/2019-NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng có sự phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát, thẩm định các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trước khi cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, ban hành Quy chế phối hợp, kiện toàn đội kiểm tra liên ngành, kịp thời xử lý những cơ sở vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Đối với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ban hành văn bản quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu" của địa phương theo Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu".
Hướng dẫn triển khai thực hiện tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức đánh giá, sơ kết để kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục phát triển phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" bền vững, có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; tăng cường công tác phối hợp giữa các thành viên Ban chỉ đạo trong triển khai thực hiện phong trào.
Về sử dụng cờ Đảng, Quốc kỳ, Quốc huy trong công tác tuyên truyền cổ động các ngày lễ, kỷ niệm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, sử dụng cờ Đảng theo tại Hướng dẫn số 105-HD/BTGTW ngày 29 tháng 5 năm 2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương Hướng dẫn thực hiện Quy định của Ban Bí thư về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng.
Hướng dẫn việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy theo Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn; thực hiện các giải pháp quản lý việc sử dụng hình ảnh Quốc kỳ, Quốc huy tại địa phương bảo đảm sự trang trọng, tôn nghiêm, đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng và sử dụng hình ảnh Quốc kỳ, Quốc huy tại địa phương. Yêu cầu tổ chức, cá nhân thu hồi, thay mới cờ Đảng, Quốc kỳ, Quốc huy không đúng quy định, bị hỏng hoặc bạc màu.