Bảo tồn, phát huy giá trị các hiện vật khảo cổ

19:47 - Thứ Hai, 09/09/2024 Lượt xem: 2864 In bài viết

Các di chỉ, di vật được tìm thấy minh chứng về vùng đất Sơn La từ xưa vốn là cái nôi hình thành và phát triển của một bộ phận cư dân cổ. Đây là di sản vô giá về lịch sử, văn hóa, tư liệu khảo cổ học giá trị cho công tác nghiên cứu, giáo dục về lịch sử, truyền thống, nguồn cội dân tộc.

Các em thiếu nhi tham quan phòng trưng bày “Sơn La thời kỳ Tiền sử - Sơ sử” tại Bảo tàng tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 67 di chỉ khảo cổ học đã được khảo sát, khai quật bước đầu, trong đó có 15 di chỉ thời kỳ đá cũ, 52 di chỉ đá mới và kim khí; đã có hơn 11.000 hiện vật khảo cổ học được trưng bày, lưu giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng tỉnh Sơn La với nhiều hiện vật phong phú, cho thấy sự phát triển liên tục của cư dân cổ qua các thời kỳ, bắt đầu từ thời đại nguyên thủy cho đến buổi đầu của thời đại văn minh kim khí.

Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ, bảo quản nhiều hiện vật khảo cổ học có giá trị rất lớn về văn hóa và lịch sử. Trong đó có những hiện vật quý giá có niên đại từ thời kỳ Tiền - Sơ sử, đặc biệt là bộ sưu tập 34 chiếc trống đồng được tìm thấy tại các di tích khảo cổ ven sông Đà của Sơn La. Đây là những di sản vô giá được Bảo tàng tỉnh quản lý, bảo quản và trưng bày một số hiện vật còn tương đối nguyên vẹn để phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Bảo tàng tỉnh đã tích cực đổi mới công tác bảo tồn, bảo tàng, ứng dụng các phương pháp mới trong bảo quản, quản lý và trưng bày hiện vật. Các hiện vật sau khi khai quật được làm sạch, sấy khô, đưa về kho bảo quản để tiến hành xử lý, phân loại theo niên đại, chất liệu hay di chỉ; thực hiện các quy trình kiểm kê khoa học, nhập sổ kiểm kê, tạo hồ sơ pháp lý cho các bộ hiện vật. Từ năm 2020 trở lại đây, kho bảo quản đã được đầu tư mới các trang thiết bị bảo quản, như: Tủ đựng hiện vật, giá kệ, điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, máy đo độ ẩm, tủ chống ẩm, quạt thông gió, máy hút bụi.

Bảo tàng đã mời các chuyên gia về kiểm kê, bảo quản để hướng dẫn cách bảo quản kéo dài tuổi thọ hiện vật và quản lý hiệu quả các hiện vật đơn vị đang có. Bà Lò Thị Tuyết, Phó trưởng Phòng nghiệp vụ Bảo tồn - Bảo tàng, thông tin: Chúng tôi đang dần thay thế hồ sơ giấy bằng phần mềm quản lý hiện vật, cán bộ kiểm kê - bảo quản thực hiện scan và số hóa dần hồ sơ lý lịch của hiện vật kèm theo các tài liệu liên quan, thuận tiện cho quá trình quản lý hiện vật theo hướng khoa học, hiện đại.

Phát huy tốt hơn giá trị các hiện vật khảo cổ, gần đây, Bảo tàng tỉnh đã hoàn thành chỉnh lý, bổ sung phòng trưng bày “Sơn La thời kỳ Tiền sử - Sơ sử” với gần 300 hiện vật, trên 50 ảnh tư liệu góp phần tái hiện lại lịch sử từ khi xuất hiện con người trên trái đất đến thời kỳ xuất hiện chữ viết. Trong đó, có nhiều bộ hiện vật còn tương đối nguyên vẹn, như: Bộ trống đồng cổ, bộ xương voi được phát hiện trong hố than bùn, các bộ công cụ sản xuất của cư dân cổ... Tất cả mang đến một không gian sống động về lịch sử cổ xưa của loài người được hình thành, phát triển trên chính mảnh đất Sơn La, tạo sự hấp dẫn và hứng thú với người xem, nhất là các bạn thiếu nhi hay những người đam mê nghiên cứu về lịch sử.

Em Quàng An Mỹ, học sinh Trường Tiểu học Ngọc Linh, Thành phố, hào hứng nói: Được tận mắt nhìn ngắm các hiện vật khảo cổ ở Bảo tàng tỉnh, chúng em hiểu hơn về lịch sử, cuộc sống của người nguyên thủy, cách thức lao động, sản xuất và rất nhiều thông tin bổ ích khác.

Cùng với đổi mới công tác trưng bày, giới thiệu hiện vật, Bảo tàng tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục, trải nghiệm văn hóa - lịch sử, thu hút sự quan tâm của nhân dân, du khách, nhất là các bạn trẻ. Qua đó, không chỉ giúp tuyên truyền, giáo dục về lịch sử mà còn là giải pháp thiết thực để góp phần phát huy giá trị của các hiện vật khảo cổ của Sơn La.

Bài, ảnh: Thanh Đào
Bình luận
Back To Top