ĐBP - Sự kết hợp các giá trị, bản sắc văn hóa của 19 dân tộc đã tạo những nét đặc trưng về văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Để duy trì và phát triển những nét đẹp văn hóa dân tộc, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã rất nỗ lực bảo tồn sự đa dạng và phong phú về các nghề truyền thống, phong tục, tập quán, lễ hội… Việc quan tâm gìn giữ nét đặc trưng văn hóa không chỉ góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa các dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau, mà còn là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương trong tỉnh.
Từ khi còn nhỏ, chị Hồ Thị Dua, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) được các bà, các mẹ chỉ dạy cho cách thêu hoa văn trên vải để may trang phục truyền thống. Giờ đây, để tiếp nối truyền thống ấy, chị Dua lại hướng dẫn cho cô con gái của mình cách thêu thùa, lưu giữ giá trị truyền thống của dân tộc. Việc “mẹ truyền con nối” đã và đang góp phần lưu giữ nghề truyền thống của người Mông trên địa bàn.
Chứng kiến 2 mẹ con chị Dua thêu hoa văn, chúng tôi mới thấy hết sự công phu, tỉ mỉ của nghề truyền thống. Bởi vậy thực sự phải có lòng yêu nghề, sự kiên nhẫn, những người phụ nữ Mông mới có thể tạo ra được một bộ trang phục truyền thống vô cùng tinh xảo. Vừa khéo léo đưa từng đường kim, mũi chỉ trên tấm vải đỏ, chị Dua vừa bày tỏ: “Không biết nghề thêu hoa văn trên vải của người Mông hoa có từ bao giờ, nhưng từ khi mới lên 10 tuổi tôi đã được mẹ dạy cách thêu hoa văn trên vải. Giờ đây, nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa ấy như đã ngấm sâu vào máu thịt của người phụ nữ dân tộc Mông từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để gìn giữ nghề, tôi lại truyền dạy cho con cháu với mong muốn có thể giữ gìn được nghề truyền thống của dân tộc mình”.
Sau những ngày bận bịu với công việc nhà nông, thời gian rảnh rỗi, bà Lò Thị Đôi - dân tộc Lào tại xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) lại ngồi bên chiếc khung cửi để dệt vải thổ cẩm. Trong thời buổi giao thoa của các nền văn hóa khác nhau và sự xuất hiện của nhiều loại vải, nhưng bà Đôi cũng như nhiều người phụ nữ Lào vẫn quyết tâm giữ gìn vẹn nguyên nét đẹp truyền thống trên bộ trang phục của dân tộc mình. Để nghề truyền thống của dân tộc không bị mai một, bà Đôi đã truyền dạy và hướng dẫn nghề dệt cho thế hệ trẻ trong bản, từ đó gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Bà Đôi tâm sự: “Từ bé tôi đã học được nghề dệt vải, qua đó góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc mình. Trước đây, các mẹ, các bà có quan điểm là những người con gái Lào mà không biết dệt vải thì sẽ không lấy được chồng. Bởi vì khi về nhà chồng con gái Lào phải may các tấm thổ cẩm để tặng cho gia đình nhà chồng. Còn đến giờ, những người phụ nữ Lào như chúng tôi vẫn mặc các trang phục này trong cuộc sống hàng ngày và các dịp lễ hội. Đối với phụ nữ Lào, các bộ trang phục thổ cẩm rất quan trọng và được mọi người gìn giữ từ đời này sang đời khác…”.
Trong bối cảnh phát triển chung của xã hội đã xuất hiện một số mâu thuẫn giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với yêu cầu về phát triển toàn diện theo xu hướng hiện đại, khiến nhiều phong tục, tập quán bị mai một. Thế nhưng để phát huy và giữ gìn các giá trị truyền thống, tỉnh Điện Biên đã và đang nỗ lực giới thiệu, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc một cách phù hợp với thời kỳ đổi mới; từng bước hội nhập với các địa phương trong nước cũng như quốc tế. Để phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân các dân tộc đã tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc. Qua đó từng bước hiện thực hóa Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cũng như đẩy mạnh thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Điện Biên có hệ thống di sản văn hóa khá phong phú với nhiều loại hình, bản sắc văn hóa truyền thống riêng của đồng bào 19 dân tộc cùng sinh sống. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, tiềm năng, lợi thế để phát triển văn hóa và du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch, đóng góp vào công tác giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống đó, thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng như các địa phương đã và đang khai thác lợi thế này để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Với sự quyết tâm của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương cũng như đồng bào các dân tộc, những nét đẹp văn hóa dân tộc vẫn được gìn giữ và phát huy. Cùng việc tổ chức thành công Lễ hội Hoa Anh Đào, Khai mạc Năm du lịch quốc gia Điện Biên 2024, Lễ hội Hoa Ban năm 2024, các hoạt động trong chuỗi sự kiện hướng tới Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành và việc khai thác có hiệu quả các giá trị di tích lịch sử, văn hoá... đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực với du lịch tỉnh Điện Biên. Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Điện Biên ước đạt 1,37 triệu lượt, tăng gấp 2,18 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.474,1 tỷ đồng, tăng 2,25 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trên nền tảng những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục khai thác những giá trị văn hóa đa dạng và phong phú của các dân tộc gắn với phát huy nét đẹp trong dân ca, dân vũ, dân nhạc, các lễ hội, nghề truyền thống, ẩm thực, phong tục tập quán… Từ đó dần hình thành những sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với Điện Biên.