Nhiều ý kiến xoay quanh việc phục dựng Đền thờ Đức Thánh Trần

09:50 - Thứ Ba, 24/09/2024 Lượt xem: 4848 In bài viết

ĐBP - Ngày 15/9 vừa qua, Hội thảo nghiên cứu về việc phục dựng Đền thờ Đức Thánh Trần tại di tích Đồi A1 đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh. Sự kiện không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu mà còn của cộng đồng yêu thích di sản văn hóa.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về có hay không Đền thờ Đức Thánh Trần tại di tích lịch sử này, đồng thời đưa ra những ý kiến tâm huyết về cách thức phục dựng công trình tâm linh mang nhiều ý nghĩa văn hóa và lịch sử đối với vùng đất Điện Biên. Những ý kiến thảo luận xung quanh vấn đề này đã mở ra nhiều hướng đi mới cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương.

Hội thảo nghiên cứu, đề xuất phục dựng Đền thờ Đức Thánh Trần tại di tích Đồi A1 với nhiều ý kiến đồng thuận việc tái hiện di tích tâm linh có ý nghĩa này.

Đền thờ Đức Thánh Trần ở đâu?

Trong rất nhiều nội dung tại Hội thảo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo và trình chiếu một số tư liệu, tài liệu thu thập thông tin liên quan đến Đền thờ Đức Thánh Trần tại di tích đồi A1. Theo đó, Sở đã thu thập 6 bức ảnh, tìm hiểu được một số thông tin liên quan đến các nhân vật, sự kiện trong các bức ảnh và một số tài liệu liên quan đến Đền thờ Đức Thánh Trần.

Cụ thể là bức ảnh Đền thờ Đức Thánh Trần tại đồi A1, phía trong là hình ảnh các binh lính Pháp đứng dưới gốc cây lớn, bên cạnh là một ngôi nhà xây. Phía ngoài cổng trang trí kiến trúc cổ truyền của Việt Nam có ghi : “1-1922”, có thể là thời điểm xây dựng Đền thờ. Hai bên cổng ghi 2 câu đối chữ Hán Nôm với nội dung: Vũ môn phi bích lãng/Hải nội thiếp kình ba. Trong ảnh có người đàn ông đội mũ là Thiếu tá Muracciole - người chỉ huy vũ khí của tiền đồn Điện Biên Phủ thuộc đội ngũ kỹ sư chiến đấu của lực lượng viễn chinh Pháp. Sau khi Pháp chiếm Điện Biên Phủ đã sử dụng nơi đây thành bốt quân sự và ghi thêm dòng chữ bằng tiếng Pháp ở phía trên: “Poste Militarine de Dien-Bien-Phu” tạm dịch là Đồn quân sự Điện Biên Phủ.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Minh Phú thông tin một số tư liệu, tài liệu thu thập thông tin liên quan đến Đền thờ Đức Thánh Trần tại di tích đồi A1.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Binh - người sinh ra và lớn lên tại Điện Biên đã tham dự Hội thảo. Ông là nhân chứng đã từng trực tiếp nhìn thấy một công trình có dáng dấp đền thờ kiểu Bắc Bộ ở di tích đồi A1 trước đây. Ông Hoàng Văn Binh nhớ lại: “Ngày ấy tôi đi chăn trâu, bắt gặp trời mưa nên phải tìm chỗ trú ẩn. Ngó đi ngó lại ở dưới chân đồi A1 tức đồi Tây, thấy một ngôi nhà, tôi chạy vào trú ẩn ở trong bếp. Lúc vào, trong nhà rất tối, tôi không nhìn thấy gì cả. Khi tạnh mưa, quay ra thì thấy 2 cột to, có cả chữ Hán nữa. Nhưng tôi cũng không biết là đền hay là gì. Ai xây dựng thì tôi cũng không rõ nhưng tôi xin khẳng định là đã được nhìn thấy, đã vào trú mưa trong đấy, ngay ở chân đồi A1 và bên cạnh đấy có một cây đa. Dự Hội thảo hôm nay mới được cung cấp thông tin là Đền thờ Đức Thánh Trần”.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Binh phát biểu tại Hội thảo.

Lý giải về việc ít người biết đến ngôi đền thiêng thờ Đức Thánh Trần trên đồi Tây, ông Hoàng Văn Binh chia sẻ: Như vậy, chỗ di tích đồi A1 có đền thật, nhưng là đền thờ ai thì ngày đó tôi cũng chưa biết. Điện Biên có đền Hoàng Công Chất tại huyện Điện Biên, Lai Châu có văn bia Lê Lợi. Còn ở trên này đến khoảng năm 1952 - 1953, Pháp chiếm Điện Biên Phủ, san hết nhà cửa trên đồi. Sau này, Pháp đập phá lấy vật liệu để xây dựng hầm chiến đấu của chúng và nghe các bậc cao niên kể lại, quân Pháp phá cái đền và cây đa để dựng lô cốt, người ta gọi là lô cốt Cây đa cụt.

Bức ảnh Đền thờ Đức Thánh Trần tại đồi A1. Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Còn theo ông Võ Quốc Tuấn, chuyên gia nghiên cứu về Điện Biên Phủ, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam, việc xác định vị trí Đền thờ Đức Thánh Trần trên di tích đồi A1 là một vấn đề rất khó khăn. “Thông tin về ngôi đền này quá ít. Thông tin duy nhất mà chúng tôi tìm thấy được là của tác giả Trần Lê Văn trong bút ký “Sông núi Điện Biên”. Tuy nhiên, thông tin ít không đồng nghĩa với việc thiếu tính khả tín. Chúng tôi đã đối chiếu, so sánh một số tài liệu hình ảnh, kiến giải chi tiết của những hình ảnh, tư liệu đã sưu tầm được đến thời điểm hiện tại và đưa ra ý kiến về những công trình từng tồn tại trên đồi A1. Theo đó, Đền thờ Đức Thánh Trần trước đây có khả năng cao là vị trí bên phải đường lên di tích đồi A1 ngày nay” - ông Võ Quốc Tuấn cho biết.            

Cần thêm tư liệu lịch sử

Sau khi nghe tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các đại biểu đều đồng tình, thống nhất cao với việc đã từng có một Đền thờ Đức Thánh Trần trên di tích đồi A1. Dẫu vậy, các đại biểu vẫn cho rằng cần có thêm những dữ liệu lịch sử để tăng tính thuyết phục cho nhận định trên. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự phát biểu tại Hội thảo: “Hiện tại, theo tư liệu của chúng ta có được thì việc phục dựng rất khó khăn. Tôi thấy như theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ thu thập được 6 bức ảnh, chuyên gia Võ Quốc Tuấn trình bày một số nội dung và một vài tư liệu văn học, còn lại hầu như không có gì. Vậy nên chúng ta vẫn cần thêm tư liệu lịch sử để khẳng định và thuyết phục được các cấp, ngành là có Đền thờ Đức Thánh Trần ở đồi A1”.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự phát biểu tại Hội thảo.

“Người dân ở đây lâu năm họ nói là có đền thờ, thì không thể chỉ lên báo cáo với cấp trên là người dân ở đấy nói thế được. Đương nhiên, đấy cũng là cơ sở để chúng ta thuyết phục, nhưng cũng phải có những cơ sở khác, mà quan trọng hơn là các văn bản, các sách cổ. Ví dụ như là những tư liệu của Viện Nghiên cứu Hán - Nôm cung cấp, hầu như tất cả đền cổ đều có quyển gia phả của đền, gọi là thần tích, thần phả. Thì ở Viện Nghiên cứu Hán - Nôm vừa là viện nghiên cứu, vừa là nơi lưu trữ các văn bản cổ đấy. Nhưng mà trong các cơ quan xin ý kiến ở đây, chưa thấy đề cập đến cơ quan này. Tôi thấy địa chỉ mà ta cần hướng đến là Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, các chuyên gia nghiên cứu về văn bản cổ xem vùng đất Điện Biên có đền thờ không, rồi mới vận dụng vào cơ sở thực tiễn, ý kiến của người dân để nói rằng chân đồi A1 có Đền thờ Đức Thánh Trần. Tiếp nữa là phải có lộ trình phù hợp, sau khi nghiên cứu rồi, khẳng định là có Đền thờ Đức Thánh Trần ở đồi A1, lúc bấy giờ chúng ta làm văn bản báo cáo để xin tham khảo ý kiến của cơ quan Nhà nước, rồi đề nghị hướng dẫn bước đi tiếp theo” - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng phát biểu.

Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng việc phục dựng Đền thờ Đức Thánh Trần tại di tích đồi A1 là rất khó khăn. Bởi lẽ, các tài liệu chứng cứ về Đền thờ Đức Thánh Trần còn rất ít; do thời gian đã lâu nên các nhân chứng biết về ngôi đền này cũng rất hạn chế, gây nhiều khó khăn trong việc xác định vật liệu, kiến trúc làm cơ sở phục dựng Đền thờ. Không chỉ vậy, nếu đúng như các chuyên gia xác định, nền móng Đền thờ Đức Thánh Trần trước đây hiện nằm trong khuôn viên khu vực bảo vệ I của Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ được công nhận xếp hạng đợt đầu tiên năm 2009 - nơi diễn ra trận chiến ác liệt nhất giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và thực dân Pháp. Do vậy, để phục dựng công trình tâm linh này phải tuân thủ theo quy định của Luật Di sản văn hóa, sự đồng thuận của nhân dân. Điều này cũng dẫn đến những ý kiến xung quanh việc có nên phục dựng Đền thờ tại di tích đồi A1 hay lựa chọn một địa điểm khác cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay…

Di tích đồi A1 – nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và thực dân Pháp cũng là nơi từng có công trình linh thiêng Đền thờ Đức Thánh Trần. Trong ảnh: Du khách tham quan di tích đồi A1.

Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo không chỉ là những góc nhìn quý báu mà còn là nền tảng vững chắc cho tỉnh Điện Biên trong việc nghiên cứu và đề xuất phục dựng ngôi đền thiêng thờ Đức Thánh Trần. Mặc dù đây chỉ là bước khởi đầu, nhưng lộ trình phía trước còn nhiều thách thức. Tỉnh Điện Biên rất mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp ý kiến và các tư liệu lịch sử quý giá từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cả cộng đồng, nhằm đảm bảo rằng công trình tâm linh này sẽ được phục dựng một cách trang trọng và ý nghĩa, góp phần gìn giữ văn hóa và lịch sử của vùng đất anh hùng.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top