Yên Bái bảo tồn văn hoá trong xây dựng nông thôn mới

15:10 - Thứ Ba, 24/09/2024 Lượt xem: 3471 In bài viết

Trong những năm qua, cùng với xây dưng nông thôn mới (XDNTM), các chương trình, dự án bảo tồn văn hóa đã được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực. Nhiều nhà văn hóa thôn, điểm sinh hoạt cộng đồng đã được xây dựng, tạo không gian cho người dân tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.

Gìn giữ điệu dân vũ truyền thống của người Tày trong Lễ hội đền Đông Cuông.

Là nơi sinh sống của trên 30 dân tộc, Yên Bái có một nền văn hóa dân gian phong phú. Mỗi dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn đều có những phong tục, tập quán đặc trưng gắn với địa hình tự nhiên của từng vùng, miền. Chính điều đó đã tạo nên ba vùng văn hóa riêng biệt. Vùng văn hóa phía Tây tỉnh Yên Bái, bao gồm các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ. 

Vùng văn hóa sông Chảy, gắn với Danh thắng cấp quốc gia hồ Thác Bà (huyện Yên Bình, huyện Lục Yên), bên cạnh vẻ đẹp sơn thủy hữu tình còn có những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan với hát đối Sịnh Ca độc đáo (xã Tân Hương, huyện Yên Bình), dân tộc Dao trắng với các làn điệu dân ca, dân vũ say đắm lòng người; dân tộc Tày với hát đón dâu (Quan làng ở xã An Phú, huyện Lục Yên)... cùng với những lễ hội, kiến trúc nhà ở, nghề thủ công truyền thống. 

Vùng văn hóa sông Hồng (thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, huyện Văn Yên) là nơi tập trung các lễ hội tâm linh tín ngưỡng như: Lễ hội đền Đông Cuông, đền Nam Cường, đền Tuần Quán, đền Nhược Sơn, chùa Am..., hàng năm được duy trì tổ chức, trở thành những điểm du lịch tâm linh. 

Với sự đa dạng dân tộc, đa dạng văn hóa và việc gìn giữ, phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang mở ra cho tỉnh những hướng đi mới, cách làm hay trong việc phát triển du lịch gắn với khai thác văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số; đồng thời cũng mở ra cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn có hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong phong trào XDNTM ở địa phương. 

Bà Lường Thị Hồng Chung ở xã Nghĩa Lợi chia sẻ: "Với sự định hướng của chính quyền địa phương, bà con trong bản tích cực gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, nhiều hộ trong bản mạnh dạn đầu tư dịch vụ homestay phát triển kinh tế của gia đình, xây dựng làng, bản sạch đẹp thành những bản làng đáng sống”. 

Trong những năm qua, cùng với XDNTM, Yên Bái rất xem trọng và triển khai nhiều giải pháp bảo tồn văn hoá truyền thống. Các chương trình, dự án bảo tồn văn hóa đã được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực. Nhiều nhà văn hóa thôn, điểm sinh hoạt cộng đồng đã được xây dựng, tạo không gian cho người dân tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Những thiết chế này không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu mà còn là nơi tổ chức các lớp học truyền dạy văn hóa, nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ. 

Cùng với đó, khôi phục các nghề thủ công truyền thống. Các dự án bảo tồn nghề truyền thống đã được thực hiện, giúp người dân giữ gìn nghề của cha ông, đồng thời cũng giúp tạo ra thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao đời sống. Nhờ đó, công cuộc XDNTM ở các miền quê, các bản, làng vùng cao được xây dựng theo hướng bền vững gắn kết giữa văn hoá và kinh tế. 

Xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm, các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên các nguồn lực để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần hoàn thành tiêu chí số 6 và tiêu chí số 16 về văn hóa trong XDNTM. 

Các ngành, các địa phương đã triển khai các hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị theo quy định pháp luật về di sản văn hóa; tổ chức các loại hình văn hóa truyền thống như lễ hội, trò chơi, trò diễn; duy trì, phát triển, nhân rộng các loại hình văn hóa dân gian trong sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa thôn, bản... 

Mục tiêu xuyên suốt trong chương trình XDNTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vì vậy, bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa cần khơi gợi bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi người dân, mỗi gia đình và trong từng thôn, xóm, khu dân cư. 

Để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần trong xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu XDNTM hiện đại nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của nông thôn, hướng đến XDNTM bền vững, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người dân, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa, nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; đẩy mạnh nếp sống văn minh; đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động đối với phát triển văn hóa để văn hóa thực sự thu hút, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Thanh Ba
Bình luận
Back To Top