Cuộc sống qua ảnh
ĐBP - Do địa hình sinh sống, khí hậu đặc thù đã tạo thành các phong tục riêng biệt của đồng bào dân tộc Mông; một trong số đó có thể kể đến là cách chế biến các món ăn phù hợp với điều kiện và khí hậu.
Người Mông sinh sống theo bản, các hộ nằm phân tán ở các sườn đồi, sườn núi. Với địa hình núi cao, khí hậu nơi đây rất mát mẻ; buổi sáng, buổi tối thường hơi se lạnh, đặc biệt trong những ngày mưa chuyển mùa thu, những ngày tháng 9.
Trong cộng đồng dân tộc Mông, phụ nữ thường mặc đồ sặc sỡ, những gam màu nóng như đỏ, vàng… để tạo cảm giác ấm áp, chống chọi với sự khắc nghiệt nơi núi cao. Đồng thời, các bản người Mông thường cách biệt, để mua sắm các đồ cần thiết có thể phải đi khá xa, chính vì vậy từ lâu dân tộc Mông đã có những cách dự trữ đồ ăn, chế biến thực phẩm tạo ra những món ăn ấm bụng, giữ nhiệt đặc trưng độc đáo. Món “gà chặt nhỏ hầm gừng” là một trong những món ăn riêng có không thể thiếu tại mâm cơm dân tộc Mông trong những ngày se lạnh.
Cách chế biến gà hầm gừng khá đơn giản, gà được làm sạch, chặt nhỏ, điểm đặc biệt là cách người Mông thêm gừng làm gia vị chủ đạo cho món ăn, gừng tươi được băm nhỏ, vắt kiệt nước, tỉ lệ gừng bằng 1/4 thịt gà rồi sau đó đổ nước hầm, thêm nếm gia vị cho vừa miệng.
Khi hầm thường sẽ đổ ngập nước, phần nước cốt có vị ngọt tươi của gà, vị ấm nóng nhưng không quá cay của gừng (đã được vắt kiệt nước) được hòa quyện vào nhau. Đây là một trong những cách giữ nhiệt, tăng sức đề kháng, chống chọi với cái lạnh chuyển mùa của đồng bào dân tộc Mông.
Tới vùng cao những ngày đầu mùa thu, cảm nhận hơi ấm truyền qua tay của canh gà nghi ngút khói, hít hà mùi hương béo ngậy tươi mát, ngắm nhìn những nhà mái thấp bên sườn núi gánh cả biển mây của đồng bào dân tộc Mông… Tất cả tạo nên những cảm nhận rất đặc trưng riêng có về lối sống, tập quán nguyên sơ, bình dị hòa hợp của đồng bào nơi rẻo cao.