Cần thêm những tác phẩm vì tình yêu Hà Nội...

09:25 - Thứ Sáu, 11/10/2024 Lượt xem: 4495 In bài viết

Hà Nội - "Thủ đô ngàn năm văn hiến" là đề tài hấp dẫn, đầy sức cuốn hút và đã để lại nhiều tác phẩm đỉnh cao trong lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT). Với một Hà Nội tươi đẹp, không ngừng phát triển, đổi mới như hiện nay, vẫn cần lắm những tác phẩm VHNT mới mang đậm hơi thở thời đại, khắc họa sâu sắc hình ảnh người Hà Nội hiện đại, thanh lịch, văn minh...

Thủ đô Hà Nội với vẻ đẹp thiên nhiên, bề dày lịch sử với những trầm tích văn hóa kết tinh qua thời gian đã đi vào lĩnh vực VHNT và để lại dấu ấn trong nhiều tác phẩm xuất sắc. Trong dòng chảy đời sống VHNT, những tác phẩm viết về Hà Nội vẫn liên tục được ra mắt công chúng, tạo nên một không khí vô cùng sôi động. Một trong những lĩnh vực có số lượng tác phẩm về Hà Nội, cho Hà Nội nhiều nhất phải kể tới âm nhạc. Có lẽ nhờ đặc trưng thể loại mà số lượng ca khúc về Hà Nội "thời nào cũng có".

Rồi không phải chỉ tác giả, nhạc sĩ ở Hà Nội mới viết về Hà Nội mà những người ở tỉnh, thành khác, ở nước ngoài cũng đau đáu về mảnh đất này. Hà Nội trong ngàn sắc hoa xuân, trong heo may thu se lạnh hay lãng đãng mùa đông sương giăng… đều có thể trở thành cảm hứng đi vào các sáng tác âm nhạc.

Hà Nội trong tác phẩm ảnh “Hạnh phúc tuổi già” của tác giả Vũ Minh Quang.

Thật khó có thể kể hết được có bao nhiêu ca khúc viết về Hà Nội. Chỉ biết rằng, nhờ lời ca, giai điệu mà hình ảnh Hà Nội bình yên, lãng mạn đã thổn thức trong trái tim bao người. Cũng bởi lẽ ấy mà cuộc thi sáng tác ca khúc "Thanh âm Hà Nội" chỉ sau 6 tháng phát động đã nhận về gần 200 ca khúc của các tác giả ở mọi miền Tổ quốc. Có tác giả gửi tới 2 - 3 bài tham dự. Có tác giả nhận cú đúp giải thưởng. Những ca khúc đều là những cảm xúc bay bổng của các nhạc sĩ, ngợi ca vẻ đẹp của đất và người Hà Nội. Hiếm có một nơi nào như Hà Nội, luôn là đề tài khiến các nhạc sĩ đau đáu và gửi thương gửi nhớ.

Thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã cho ra mắt tuyển tập 70 ca khúc chọn lọc từ cuộc thi trên. Đây được ví là những ca khúc mới về Hà Nội và một Hà Nội mới. Điều đặc biệt là ở mỗi ca khúc đều có mã QR để công chúng có thể nghe trực tuyến, góp phần nhanh chóng lan tỏa tới công chúng. Hy vọng rằng, sau này, trong lòng công chúng sẽ có thêm những bản tình ca về Hà Nội như "Hà Nội mùa yêu thương" (Vũ Ngọc Đảm), "Hà Nội, ngày… tháng… năm… (Tạ Duy Tuấn), "Hà Nội mùa lá" (Đình Nghĩ), "Hà Nội - Thủ đô em mến yêu" (Nguyễn Thúy My)…

Bên cạnh âm nhạc, thời gian qua, một lĩnh vực có nhiều tác phẩm về Hà Nội đó là điện ảnh. Mới đây nhất, một sự kiện của đời sống điện ảnh Việt phải kể tới việc một bộ phim về đề tài lịch sử do Nhà nước đặt hàng đã tạo lên "cơn sốt phòng vé" lại là một bộ phim về Hà Nội: "Đào, Phở và Piano" (đạo diễn Phi Tiến Sơn). Chuyện phim kể về những người Hà Nội anh dũng trong cuộc chiến 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô nhưng vẫn vô cùng hào hoa, lãng mạn. Từ những biểu tượng giản dị mà đầy tự hào của Hà Nội là Đào, Phở, Piano… đã làm đầy thêm khí chất của người Hà Nội và khơi dậy thêm tình cảm trân quý với đất và người Thủ đô. Bộ phim cũng đã chính thức được chọn để tham dự Oscar cho hạng mục "Phim nước ngoài hay nhất". Hay bộ phim, có thể gọi là cuối cùng trong sự nghiệp của đạo diễn gạo cội, NSND Đặng Nhật Minh cũng dành cho Hà Nội với tên gọi "Hoa nhài".

Một bộ phim nhẹ nhàng, dung dị kể những câu chuyện gần gũi về người Hà Nội thông qua các nhân vật như ông nhạc sĩ già, cậu bé đánh giày…nhưng vẫn toát lên phẩm cách "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Mảng phim truyền hình cũng mang đến một loạt bộ phim về Hà Nội. Không hẹn mà gặp, cả Điện ảnh CAND và Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đều khai thác hình ảnh người chiến sĩ Công an Thủ đô trong những bộ phim mới nhất của mình. Với "Đội điều tra số 7" (mùa 2) (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ), điện ảnh CAND tiếp tục mang đến những thước phim vừa chân thực vừa hấp dẫn về người lính hình sự Thủ đô gắn liền với những chuyên án đặc biệt, những chiến công lẫy lừng. Nằm trong dự án "Vì tình yêu Hà Nội", bộ phim "Mật lệnh hoa sữa" kể về những chiến sĩ Công an Thủ đô bình dị trong đời sống nhưng luôn sẵn sàng hy sinh để giữ cho Hà Nội bình yên như danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Cũng nằm trong dự án này công chúng còn được thưởng thức bộ phim "Hà Nội trong mắt em" về những người Hà Nội trẻ ngày nay đầy nhiệt huyết, say mê cống hiến…

Ở lĩnh vực sân khấu, có thể kể tới vở kịch "Trái tim người Hà Nội" (đạo diễn Phùng Tiến Minh) của Nhà hát kịch Hà Nội. Một vở diễn về đề tài chiến tranh nhưng lãng mạn và chứa đựng đầy ắp những giá trị nhân văn. Giữa khốc liệt của bom đạn chiến tranh, những người con Hà Nội hiện lên đầy nhiệt huyết, kiêu hãnh, tràn ngập tình yêu đất nước và chứa đựng trong đó chất thanh lịch riêng có của người Hà thành.

Những buổi diễn đầy kín khán giả không chỉ cho thấy hiệu ứng một vở diễn hay mà còn là tình cảm của khán giả dành cho Hà Nội. Ở các lĩnh vực như văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh… công chúng cũng chứng kiến số lượng tác phẩm phong phú. "Đi dọc Hà Nội", "Hà Nội còn một chút này" (Nguyễn Ngọc Tiến), "Con giai phố cổ", "Thị dân tiểu thuyết" (Nguyễn Việt Hà), "Quân khu Nam Đồng", "Đi trốn Bình Ca", "Ngồi lê đôi mách với Hà Nội" (Đỗ Phấn)… không chỉ mang đến cho người đọc hình ảnh đất và người Hà Nội trong từng câu văn, trang sách mà còn chứa đựng tình cảm của mỗi tác giả với mảnh đất này. Tương tự, các nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng không ngừng miệt mài khắc họa vẻ đẹp của Hà Nội ở nhiều khía cạnh. Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô do Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức mỗi dịp tháng 10 luôn nhận được "cơn mưa" sáng tác.

Hình ảnh Hà Nội trong ca khúc “Hà Nội ngày... tháng... năm” của nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn.

Có một thực tế, tác phẩm về Hà Nội ở lĩnh vực VHNT khá phong phú, tuy nhiên, số lượng tác phẩm thật sự xuất sắc, nổi trội lại không nhiều. Hà Nội là đề tài hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức với các văn nghệ sĩ. Viết ra "chất" Hà Nội là điều không hề dễ dàng, đặc biệt là viết về Hà Nội ngày nay. Như NSND Trần Quốc Chiêm - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm "Văn học nghệ thuật Thủ đô sáng tác các tác phẩm hướng tới đề tài "Người Hà Nội khơi dậy vẻ đẹp thanh lịch, văn minh": Trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long, người Hà Nội đã kết tinh bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, phẩm chất thanh lịch, tinh tế. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô: "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", thì nhiều tác phẩm VHNT chưa đáp ứng được yêu cầu". Hơn bao giờ hết, các tác phẩm cần tập trung phản ánh các giá trị văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đề cao và tôn vinh những giá trị đạo đức, truyền thống, phù hợp với cuộc sống hiện đại; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn an ninh chính trị ở địa phương…

Có lẽ, vì những thôi thúc đó, trung tuần tháng 5/2024, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức lễ phát động sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề: "Hà Nội - Đổi mới và phát triển". Cuộc vận động nhằm tìm kiếm những tác phẩm khơi dậy, phát huy lòng tự hào về Thăng Long - Hà Nội, góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Hội viên 9 hội chuyên ngành đã tham gia cuộc vận động với các loại hình: văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, văn nghệ dân gian, kiến trúc.

Một cảnh trong bộ phim “Đào, phở và piano”.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, đời sống văn học nghệ thuật còn thiếu vắng những tác phẩm phản ánh sâu sắc và hấp dẫn hơi thở cuộc sống Hà Nội hiện đại, văn minh và hội nhập ngày nay với những con người mới trong những cơ hội và thách thức mới. Theo nhà viết kịch Chu Thơm, để có những tác phẩm VHNT về Hà Nội lay động trái tim công chúng thì hơn bao giờ hết, văn nghệ sĩ phải là những người am hiểu lịch sử, văn hóa của Thủ đô, hiểu những nét đặc trưng trong tính cách, sinh hoạt, lối sống… Từ đó mới có thể tìm đề tài, đưa được những chi tiết, nhân vật làm nổi bật nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

NSND Trần Quốc Chiêm thì cho rằng cần có sự chuyển động mạnh mẽ trong sáng tác văn học nghệ thuật. Người nghệ sĩ ngoài tình yêu Hà Nội, phải thực sự am hiểu những giá trị, sự vận động ở chiều sâu tâm hồn con người cũng như những trăn trở với đời sống xã hội để nắm bắt, phản ánh và đưa vào tác phẩm một cách hấp dẫn nhất.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top