Triển khai giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

14:45 - Thứ Sáu, 08/11/2024 Lượt xem: 1310 In bài viết

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Chương trình tour đêm "Ngọc Sơn - Đêm huyền bí" do Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội thực hiện đang góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô. Ảnh: Hoàng Lân

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VH,TT&DL tại Chỉ thị số 30/CT-TTg; phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ VH,TT&DL và các đơn vị tại địa phương theo thẩm quyền, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Đồng thời, đây là cơ sở để triển khai thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các yếu tố: Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững, trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng; từng bước tạo dựng thương hiệu quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Theo Kế hoạch, các nhiệm vụ trọng tâm do VH,TT&DL chủ trì, gồm có: Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, hoàn thiện, đề xuất các cơ chế, chính sách cần thiết, phù hợp và rà soát, xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết hiệu quả trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kế hoạch cũng đặt nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng phương án đầu tư, hỗ trợ theo từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển; xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng tiêu biểu gắn với vùng, miền, địa phương…

Bên cạnh đó, Bộ VH,TT&DL cũng tổ chức công bố sáng tạo quốc gia đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa, các hoạt động tôn vinh, trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng hệ thống phần mềm tìm kiếm, đối chiếu, so sánh giúp phát hiện, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số; thúc đẩy trao đổi, hợp tác, liên kết để thúc đẩy phát triển thị trường và sản phẩm công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế; xây dựng, bổ sung kế hoạch đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh công nghiệp văn hóa…

Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu trình UBND các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch, chương trình triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg; phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống chỉ tiêu thống kê và chuyển đổi số về các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý văn hóa, du lịch tại các địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ cần thiết, kịp thời cho các doanh nghiệp, người lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương.

Đồng thời, các địa phương triển khai thí điểm phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa là thế mạnh của địa phương và tổ chức triển khai sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Theo HNM
Bình luận
Back To Top