“Mèn mén” - Món ăn dân dã gói trọn hồn cốt người Mông

15:56 - Thứ Hai, 11/11/2024 Lượt xem: 1541 In bài viết

Mèn mén có vị ngọt bùi, mang hương vị đặc biệt, lạ, thú vị - Đó là những cảm nhận chung của các du khách thập phương, nhân dân trong tỉnh khi được thưởng thức món dân dã nhưng đậm bản sắc văn hoá dân tộc Mông trong Tuần Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Lai Châu lần thứ II, năm 2024.

2 năm nay, tổ chức sự kiện Tuần Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thành phố Lai Châu lựa chọn nhiều nội dung đặc sắc, hấp dẫn để giới thiệu, quảng bá tiềm năng thế mạnh, hình ảnh đẹp về con người, thiên nhiên và văn hoá đặc sắc của các dân tộc tiêu biểu sinh sống trên địa bàn như: Thái, Mông, Dao, Giáy, Pú Nả.

Một trong những phần thi hấp dẫn được du khách, nhân dân và cả người dự thi háo hức là “Thi làm mèn mén”. Mèn mén được coi là món ăn truyền thống gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông khi còn đói khổ. Hôm nay, món ăn này trở thành “đặc sản” của dân tộc để giới thiệu tới du khách vào các dịp lễ hội, tết.

Mèn mén được làm từ bột ngô do chính tay người dân trồng trên các đồi, nương. Có lẽ, thấm đủ nắng, mưa, gió của đất trời đã giúp cho những hạt ngô vàng thêm vị ngọt bùi. Vì thế đã mang đến cho du khách những cảm nhận thú vị, lạ khi thưởng thức món ăn này. 

Bà Giàng Thị Số ở bản Sùng Chô, xã Sùng Phài phấn khởi: Ngày xưa đói khổ, ăn mèn mén thay cơm suốt. Giờ món này trở thành đặc sản của dân tộc. Tôi rất vui khi được tham gia ngày hội, cùng trổ tài thi làm mèn mén ngon, mời du khách và nhân dân thưởng thức. 

Để có một bát mèn mén thơm ngon cần phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, mất nhiều thời gian từ 2-3 tiếng. Nào là tẽ ngô, xay ngô. Sau đó bột ngô được sàng, sảy nhiều lần nhằm loại bỏ sạn; rồi cho ra ni, trộn với một ít nước và nhào. Nhào bột đến đâu dùng tay bóp tơi bột ngô đến đó, khi bột tơi hết thì cho vào chõ đồ xôi hoặc nồi hấp cách thuỷ.

Chị Sùng Thị Cua ở bản Gia Khâu, xã Sùng Phài chia sẻ: muốn mèn mén ngon thì phải hấp hai lần. Hấp lần đầu để nước thấm vào bột ngô được tơi, mềm hơn không bị vón cục. Lửa đun phải to và đều khi hơi nước bốc ra thì giảm lửa xuống một chút. Sau khoảng 30 phút hấp, tuỳ lượng nhiều hay ít, căn thời gian hợp lý cho bột ngô ra nia, đảo tơi và lọc lại lần nữa rồi tiếp tục hấp lần thứ 2 đến khi bột chín hẳn, mùi thơm toả ra là có thể cho ra bát thưởng thức.

Được biết, lúc chín mèn mén sẽ có màu vàng đẹp mắt, màu ngà hấp dẫn, vị bùi ngọt, đậm đà. Đối với món ăn này, theo kinh nghiệm của bà con, càng ăn chậm, nhai kỹ sẽ thấy hương vị ngon của bột ngô tẻ.

Khi xưa, cuộc sống của người Mông còn đói khổ, mèn mén được dùng ăn thay cơm. Vì vậy, để món ăn không nhàm chán, các bà, các mẹ làm bánh mèn mén từ những bắp ngô tẻ tươi có độ non vừa phải. Với loại bánh này, công đoạn làm nhàn hơn, hạt ngô tươi sau khi tách ra, sàng sảy mày xong đem vào cối xay; tiếp đến cho vào lá ngô gói lại và mang đi hấp khoảng 45 phút là chín. Bánh dễ ăn, có vị ngọt thanh của ngô non.

Ngày nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông khá giả hơn, vậy nên họ thưởng thức món ăn truyền thống này một cách “thượng hạng” hơn. Đó là ăn cùng mèn mén với nhiều món ăn khác như: thịt trâu xào, thắng cố, canh bí đỏ, canh bí nấu khoai sọ… để tạo nên hương vị khác biệt, cho món ăn hấp dẫn, ngon hơn.

Anh Nguyễn Duy Long - Du khách Hà Nội tươi cười cho biết: Nghe nhiều về món ăn này qua tivi, đọc báo nhưng đây là lần đầu tiên tôi ăn mèn mén ở Lai Châu. Mùi ngô rất thơm, vị lạ mà ngon, nhất là khi kết hợp với những món ăn đơn giản khác. Đây là trải nghiệm thú vị, hấp dẫn với tôi trong những ngày du lịch ở đây.

Hôm nay, nhắc đến mèn mén, ta sẽ nhớ ngay đến đồng bào dân tộc Mông. Tự bao đời nay, món ăn dân dã ấy trở thành nét đẹp trong văn hoá của họ, mang hồn cốt dân tộc. Để thế hệ trẻ luôn tự nhắc nhở, có ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ các giá trị văn hoá; đặc biệt là biết vươn lên trong cuộc sống, hướng đến tương lai, hạnh phúc. Tận dụng những đặc sắc văn hoá dân tộc, tạo dấu ấn thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến Lai Châu tham quan, tìm hiểu văn hoá và thưởng thức những “đặc sản” của đồng bào Mông.

Chị Giàng Thị Sai - bản Thành Lập, phường Đoàn Kết cho hay: Tôi biết làm mèn mén từ thời thiếu nữ 13-14 được mẹ, bà dạy cho. Hiện nay, vào dịp lễ hội, tết, hay mọi người trong gia đình thích ăn thì tôi lại làm mèn mén. Vừa gìn giữ nét đẹp riêng có của đồng bào Mông; vừa nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội và truyền lại cách làm để văn hoá dân tộc luôn còn mãi, toả sáng theo thời gian.

Đến với các lễ hội của đồng bào dân tộc Mông ở mảnh đất biên giới Lai Châu, du khách đừng quên thưởng thức món ăn truyền thống “mèn mén” để cảm nhận vị ngon và tình yêu văn hoá dân tộc của người Mông này nhé!

Đinh Đông - Ngọc Duy
Bình luận

Tin khác

Back To Top