Điện Biên vui hội kết đoàn

15:20 - Thứ Ba, 19/11/2024 Lượt xem: 2414 In bài viết

ĐBP - Những ngày tháng 11, không khí vui tươi, náo nức của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hiện hữu, lan tỏa khắp các thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh. Từ thành thị đến nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai tầng xã hội… mọi người cùng nhau cất cao tiếng hát rộn ràng, hân hoan mừng ngày hội đoàn kết.

Rộn ràng ngày hội toàn dân

Trung tuần tháng 11, không khí ở bản Lọng Luông 1, 2, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) rộn ràng, náo nhiệt hơn hẳn mọi năm, bởi năm nay, bản được chọn là nơi tổ chức điểm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của thành phố.  

Mới đặt chân đến đầu bản, chúng tôi đã cảm nhận được tinh thần, không khí người dân trong bản hướng về ngày hội. Băng rôn, khẩu hiệu căng lên trang trọng, đường vào bản được phát quang và quét dọn sạch đẹp. Trung tâm bản điểm tô sắc đỏ bởi những dãy cờ Tổ quốc. Trên khoảng không gian sinh hoạt chung giữa bản, bà con trong trang phục đẹp nhất, mới nhất vang tiếng nói cười, í ới gọi, chờ nhau cùng tham gia văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống.

Bản Lọng Luông 1, 2 hiện có 115 hộ, 621 nhân khẩu, có một điểm nhóm tôn giáo theo đạo Tin lành với 18 hộ, 93 tín đồ. Ngày hội đại đoàn kết không chỉ thắt chặt thêm tình đoàn kết làng bản mà đây cũng là dịp mọi người trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế... Thông tin vui nhất chúng tôi được nghe khi đến với ngày hội đại đoàn kết của người dân bản Lọng Luông 1, 2 đó là hiện nay cả bản không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Cách trung tâm huyện Mường Chà hơn 30km, bản Sá Ninh, xã Sá Tổng những ngày qua cũng rộn ràng không khí của ngày hội kết đoàn. Chuẩn bị cho ngày hội, mọi người trong bản thu xếp công việc gia đình, nương ruộng từ nhiều ngày trước để tham dự đầy đủ. Phụ nữ trong bản dành thời gian luyện tập văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cất cao tiếng hát, điệu múa biểu diễn tại ngày hội. Nam thanh niên thì say sưa với điệu múa khèn.

Gác lại việc nương rẫy, chị Mùa Thị Di, bản Sá Ninh dậy từ sáng sớm, nhanh chóng hoàn thiện công việc trong ngày… để kịp mặc bộ trang phục truyền thống dân tộc đẹp nhất, xúng xính đến ngày hội đại đoàn kết. “Tham gia ngày hội, được xem các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian. Các món ăn truyền thống như mèn mén, thắng cố, rượu ngô, canh măng rừng... của đồng bào Mông cũng được chế biến để mọi người cùng thưởng thức. Giờ có cuộc sống ấm no, vui vẻ, chúng tôi càng thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” - chị Di chia sẻ.

Chúng tôi rời bản Sá Ninh, tạm biệt cộng đồng dân bản khi mặt trời đã đứng bóng. Tiếng khèn, tiếng sáo còn vọng xa, dội đều vào vách núi. Quan trọng hơn cả, sau những tiết mục văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, bữa cơm kết đoàn có đông đủ mọi người, bản làng càng thắt chặt tình đoàn kết, cố kết cộng đồng, cùng quyết tâm hơn trong phát triển kinh tế gia đình, đẩy lùi đói nghèo, xây dựng bản làng ấm no, khởi sắc.

Nhân lên sức mạnh đoàn kết

Trong tâm thức của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú, Dao, Hà Nhì… ở Điện Biên, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc còn là dịp khẳng định, tạo lập tính gắn kết cộng đồng ngay từ cơ sở, tạo nên chỉnh thể thống nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bản Na Ư, xã Na Ư, huyện Điện Biên là nơi sinh sống của 120 hộ đồng bào dân tộc Mông với 581 nhân khẩu. Dẫu còn nhiều khó khăn đặc thù của một bản vùng sâu, vùng xa biên giới song tinh thần đại đoàn kết vẫn luôn được người dân Na Ư nêu cao. Trong năm 2024, bản đã vận động nhân dân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” 3,2 triệu đồng; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ 1,7 triệu đồng; xây dựng quỹ khuyến học 3 triệu đồng. Nhân dân đóng góp trên 100 ngày công giúp hộ nghèo làm nhà đại đoàn kết... Những con số trên dù không lớn nhưng là minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự tương thân, tương ái, đoàn kết của người dân bản Na Ư. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của bản còn 30,8%; gia đình văn hóa chiếm 75%; bản được công nhận bản văn hóa cấp huyện.  

Điện Biên hiện có 129 xã, phường, thị trấn; hơn 1.440 thôn, bản, tổ dân phố với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Theo lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, từ đầu tháng 11 đến ngày 18/11 hàng năm, 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa. Các hoạt động tập trung vào việc thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các gia đình khó khăn về nhà ở, vệ sinh cảnh quan môi trường. Đồng thời tổ chức các hoạt động vui chơi thể thao, giao lưu văn nghệ nhằm khơi dậy tinh thần đại đoàn kết trong toàn dân.

Với đồng bào các dân tộc ở Điện Biên, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị không thể thiếu ở cộng đồng dân cư. Không chỉ là dịp để toàn thể nhân dân tham gia các hoạt động cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm, Ngày hội còn là diễn đàn để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đóng góp ý kiến xây dựng khu dân cư ngày càng giàu đẹp, ký kết thi đua góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thu Hằng - Thu Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top