Quan tâm bảo tồn cây di sản

16:35 - Thứ Tư, 20/11/2024 Lượt xem: 878 In bài viết

Không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa, cây di sản còn là niềm tự hào của nhân dân mỗi địa phương. Vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị cây di sản được các địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện.

“Báu vật” của xóm làng

Cách thành phố Cao Bằng 33 km về hướng Bắc thuộc địa phận xóm Bó Dường, xã Vân Trình tiếp giáp xã Lê Lai (Thạch An) có một cánh rừng nghiến nguyên sinh khá độc đáo, với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cùng thảm thực vật đa dạng, phong phú. Năm 2018, khu rừng được công nhận là rừng Cây di sản Việt Nam. Đây là khu rừng nghiến nguyên sinh còn lại duy nhất của tỉnh được cộng đồng nhân dân xóm Bó Dường đoàn kết bảo vệ từ hàng trăm năm nay, là “nhân chứng sống” chứng kiến những thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này. Bên trong khu rừng có hàng chục căn nhà từng tạm giam tù binh Mỹ từ năm 1968 - 1972; có miếu thờ thần rừng, dân trong xóm gọi là “đông slấn” (rừng thiêng). Miếu được nhân dân địa phương xây dựng từ lâu đời để hằng năm người dân đến thắp hương cầu mong thần rừng phù hộ cho dân làng được bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. 

Từ khi được công nhận là Cây di sản Việt Nam, Ban Quản lý Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng đã triển khai nhiều dự án để khai thác tiềm năng du lịch nơi đây. Ông Đinh Văn Chấn, Bí thư Chi bộ xóm Bó Dường cho biết: Rừng nghiến nguyên sinh tại xóm gồm có 58 cây nghiến, 1 cây bằng lăng, 13 cây đinh và 10 cây trai có tuổi đời trên 300 năm. Đây không đơn thuần là những cây cổ thụ mà còn là chứng nhân lịch sử, nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của người dân địa phương. Ngoài ra, trong rừng còn có nhiều loại dược liệu quý như: giảo cổ lam, thất diệp nhất chi hoa, nhãn rừng, mác mật… Vì vậy, người dân trong xóm luôn có ý thức cùng nhau chăm sóc, bảo vệ, tôn vinh để quần thể cây mãi xanh tốt cùng dân làng.

Rừng cây di sản tại xóm Bó Dường, xã Vân Trình (Thạch An). Ảnh Thế Vĩnh

Tại trung tâm xóm Cọt Phố, xã Tổng Cọt (Hà Quảng), cây sung cổ thụ nhất Việt Nam cao 30 m, tán rộng 35 - 40 m, chu vi thân cây 10,1 m, đường kính 3,3 m. Tuy chưa xác định được tuổi cụ thể của cây, song qua các nhân chứng kể lại, cây sung cổ thụ đã có tuổi đời hàng trăm năm. Cây sung nằm trong tuyến trải nghiệm Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách trong hành trình khám phá du lịch. 

Chủ tịch UBND xã Tổng Cọt Hoàng Văn Cương khẳng định: Cây sung được công nhận là cây di sản năm 2018 có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa, là cơ hội để khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, là động lực để xã phát triển văn hóa tâm linh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Để bảo vệ và giữ gìn cây trường tồn lâu dài, xã giao nhiệm vụ cho xóm trông coi, tưới nước, chăm sóc, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình cây cổ thụ, kịp thời cắt tỉa những cành đã già cỗi, mục nát, không đảm bảo an toàn.  

Cần chung tay bảo tồn và phát triển

Để được công nhận là cây di sản, cây cổ thụ phải đạt các tiêu chí là cây thân gỗ lớn đang sống, có tuổi đời từ 100 năm trở lên đối với cây trồng và 200 năm trở lên đối với cây tự nhiên. Cây có giá trị về cảnh quan môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử…; được cộng đồng đề xuất, chủ sở hữu cây đăng ký và được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận. Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, cây di sản mang ý nghĩa biểu trưng về sự trường tồn của văn hóa cổ truyền dân tộc; việc bảo tồn, chăm sóc cây di sản góp phần quan trọng bảo vệ môi trường tự nhiên và nguồn gen quý hiếm. 

Cây đa cổ thụ xóm Nà Bản, xã Thành Công (Nguyên Bình) được vinh danh là Cây di sản Việt Nam năm 2019.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 cây và 3 quần thể cây cổ thụ được vinh danh là Cây di sản Việt Nam. Trong đó, nhiều cây có tuổi đời cao như: cây nghiến trên 1.000 năm tuổi tại xã Kim Loan (Hạ Lang), cây nghiến 600 năm tuổi tại xóm Bó Bẩm, xã Trường Hà (Hà Quảng), cây gạo 500 năm tuổi tại xóm Lũng Luông, xã Hạnh Phúc (Quảng Hòa), cây sấu 400 năm tuổi tại cột mốc xã Sóc Hà (Hà Quảng), quần thể cây chò chỉ (tên địa phương là mạy rào) trên 200 năm tuổi tại xóm Bản Ngắn, xã Quang Trung (Trùng Khánh)…

Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Đàm Văn Lý cho biết: Từ khi được công nhận, các cây di sản trên địa bàn tỉnh đều được gắn bia công nhận và có quy định chi tiết về việc bảo vệ. Tuy nhiên hiện nay, tỉnh chưa có quy chế cụ thể, thống nhất trong việc chăm sóc, bảo tồn cây di sản, việc bảo tồn chủ yếu do chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhiệm. Mặt khác, cây di sản có tuổi thọ cao, do đó, việc chăm sóc đòi hỏi phải có kỹ thuật và kinh phí lớn trong công tác nghiên cứu điều kiện sinh lý và sinh thái, đất đai, thổ nhưỡng từng vùng cũng như nguyên nhân xuất hiện các loại sâu hại để có biện pháp khắc phục, bảo vệ cây.

Lam Giang
Bình luận

Tin khác

Back To Top