Na Sang giữ nghề dệt vải truyền thống

14:40 - Thứ Năm, 21/11/2024 Lượt xem: 1612 In bài viết

ĐBP - Bản Na Sang, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) là nơi người dân tộc Lào sinh sống lâu đời. Từ xưa, người Lào quan niệm phụ nữ phải biết dệt vải, “biết dệt vải mới lấy được chồng!”. Bởi vậy nghề dệt vải truyền thống người Lào Na Sang được lưu giữ, truyền dạy và phát triển cho tới ngày nay.

Người Lào ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên sinh sống chủ yếu ở bản Na Sang 1 và Na Sang 2 với nhiều truyền thống độc đáo.

Với gần 200 hộ đồng bào dân tộc Lào sinh sống, trước đây, người Lào Na Sang chỉ dệt trang phục cho bản thân hoặc gia đình sử dụng. Vài năm trở lại đây, nhận thấy nghề dệt không chỉ là bản sắc mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhiều phụ nữ ở Na Sang đã phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình gắn với phát triển kinh tế.

Nghề dệt có từ lâu đời, được duy trì và phát triển dưới mái hiên đồng bào dân tộc Lào Na Sang.

Một điển hình hiệu quả trong việc gìn giữ, phát triển nghề dệt truyền thống là Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Na Sang 2 với 15 thành viên. Các sản phẩm chủ yếu được HTX sản xuất là áo, khăn, chân váy, các loại vải thô, túi đeo… Để có được tấm vải và sản phẩm thổ cẩm hoàn hảo sẽ trải qua rất nhiều công đoạn từ trồng bông, tách hạt sợi bông, xe sợi, nhuộm chàm rồi dệt vải. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công, khéo léo của người phụ nữ. Mỗi thớ vải, mỗi hoa văn đều được tính toán kĩ với các câu chuyện riêng mang đậm triết lý, sự tích văn hóa truyền thống dân tộc Lào.

Các khâu sản xuất thổ cẩm đều thủ công, từ hái lá chàm để nhuộm bông.

Bà Lò Thị Viên, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Lào Na Sang 2 chia sẻ: Các sản phẩm đều là hàng thủ công, quy trình làm đảm bảo nét truyền thống và yếu tố thẩm mỹ nên khách hàng rất ưa chuộng. Thị trường chính các sản phẩm của HTX là khách hàng từ Hà Nội, Hòa Bình, Sa Pa đặt hàng; mỗi đơn hàng dao động từ 1 - 50 triệu đồng. Thành viên HTX nhận khoán và làm sản phẩm tại gia đình, tùy thuộc vào việc đầu tư thời gian sẽ quyết định thu nhập cao hay thấp. Trung bình mỗi thành viên HTX có thu nhập từ 2,5 - 5 triệu đồng/tháng, đem lại nguồn thu nhập khá cao trong thời điểm nông nhàn.

Việc sản xuất các sản phẩm tại gia đình thành viên HTX góp phần thúc đẩy sự tiếp xúc, truyền dạy, hứng thú của thế hệ trẻ đối với sản phẩm thủ công truyền thống.

Tới xe sợi bông làm nguyên liệu dệt vải.

Là thành viên HTX, bà Lò Thị In, bản Na Sang 2 chia sẻ: “Các sản phẩm gia đình làm chủ yếu là thổ cẩm hoa văn, thông thường thời gian rảnh sẽ làm, hoàn thành thì giao cho HTX. Trung bình công tính theo sản phẩm khoảng 100.000 đồng/mét khung vải, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Mỗi khi nhận khoán sản phẩm, một số công việc như nhuộm chàm, xe sợi… đều cần cháu gái phụ giúp, đây cũng là dịp truyền dạy kỹ năng làm nghề cho thế hệ trẻ trong gia đình”.

Các sản phẩm được các bà, các mẹ làm chủ yếu là váy, áo, khăn…

Khác với Na Sang 2, khi các sản phẩm dệt được đẩy mạnh tiêu thụ, quy về một mối dưới hình thức HTX, tại bản Na Sang 1 - cũng là nơi đồng bào dân tộc Lào sinh sống, các bà, các mẹ ngày ngày lưu giữ truyền dạy văn hóa truyền thống trong từng hoa văn, tìm cách đưa sản phẩm thổ cẩm dân tộc Lào ra thị trường.

Xã hội phát triển, sản phẩm thổ cẩm được đặt hàng tiêu thụ trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện cho người dân gìn giữ phát triển nghề truyền thống. Trong ảnh: Thành viên HTX Dệt thổ cẩm Lào Na Sang 2 thực hiện công đoạn dệt.

Bà Lường Thị Ún, bản Na Sang 1 chia sẻ: “Cả bản hiện tại có hơn 20 người vẫn duy trì nghề dệt, khi dệt thường kèm dạy thêm cho các con, các cháu. Mỗi người đều có mối tiêu thụ riêng, mặt hàng chủ yếu được làm là chân váy và khăn bởi dễ bán, dễ tiêu thụ hơn sản phẩm khác. Một năm tôi làm ra hơn 30 chiếc chân váy, khi thu hoạch lúa mùa xong sẽ đi bán tại các bản trong xã Núa Ngam hoặc cho khách đặt mua. Trung bình mỗi chân váy có giá từ 400.000 - 500.000 đồng tùy độ dài ngắn cùng chi tiết hoa văn. Đây là nguồn phụ thu cũng như góp phần duy trì trang phục truyền thống dân tộc Lào.

Đây cũng là cơ hội cho thế hệ trẻ dân tộc Lào tiếp xúc và được truyền dạy các công đoạn làm sản phẩm dệt thủ công.

Trải qua nhiều thế hệ, nghề dệt thủ công truyền thống dân tộc Lào ở Na Sang vẫn được gìn giữ bảo tồn và phát triển. Việc tìm đầu ra đưa sản phẩm truyền thống thành sản phẩm phát triển kinh tế không chỉ đem lại nguồn thu cho bà con, đồng thời còn tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp xúc nhiều hơn khơi dậy tình yêu với nghề truyền thống, qua đó góp phần gìn giữ phát triển nghề dệt thủ công trong đời sống hiện đại.

Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top