ĐBP - Thực hiện Quyết định số 749/QĐ - TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Điện Biên xác định đây là yêu cầu tất yếu, tạo sự phát triển mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng. Nhờ đó, thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc chuyển đổi số ở Điện Biên đã có nhiều chuyển động tích cực tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và công tác quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, với tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 90%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 35%; số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng, số điểm họp ngày càng mở rộng. Kinh tế số ngày càng đóng góp quan trọng trong cơ cấu GRDP của tỉnh (năm 2020 chiếm khoảng 6,23% GRDP của tỉnh); ứng dụng công nghệ số ngày càng được mở rộng trong các ngành, lĩnh vực. Cùng với đó, hạ tầng mạng băng rộng cố định đã phủ đến 80% khu vực dân cư; 31% hộ gia đình được kết nối internet băng rộng cố định; 68% thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh là nền tảng hình thành môi trường số giúp kết nối, chia sẻ thông tin, tri thức, các giá trị văn hóa, góp phần thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh những thay đổi mà công nghệ số, quá trình chuyển đổi số, nền kinh tế số tạo ra thể hiện trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Từ việc sử dụng các thiết bị cầm tay thông minh, đến giao dịch trực tuyến, mua sắm, kinh doanh trực tuyến. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là mức độ 3 và 4 đã góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tiền bạc của người dân, doanh nghiệp. Nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp của tỉnh đã ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh; ứng dụng các nền tảng số trong xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tiếp cận đối tác, thị trường giúp tiết kiệm chi phí, tiêu thụ nông sản...
Khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nội dung, hoạt động đã được tiến hành trên môi trường số. Công nghệ số, các ứng dụng và nền tảng số đã gần như hiện diện trong tất cả các hoạt động phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe. Ngành Y tế đã áp dụng công nghệ số vào việc truy vết, cách ly, điều trị, khám bệnh từ xa. Ngành Giáo dục chủ động và thích ứng nhanh với diễn biến dịch bệnh, áp dụng linh hoạt công nghệ thông tin, công nghệ số trong dạy và học trực tuyến. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp cũng chuyển dần mô hình và phương thức quản lý hành chính, kinh tế, xã hội truyền thống sang nền tảng số.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 100% văn bản điện tử của cơ quan Nhà nước được trao đổi, liên thông trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước có thể thực hiện được thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Lĩnh vực kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP của tỉnh; năng suất lao động tăng bình quân tối thiểu 6%/năm; trên 70% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Lĩnh vực phát triển xã hội số, có 50% tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử; trên 70% người dân được tiếp cận, sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu…
Để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số và đưa Đề án chuyển đổi số đi vào cuộc sống, giải pháp đề ra là phải huy động tối đa các nguồn lực, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tập trung phát triển và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số của tỉnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh hướng đến chính quyền số; tích hợp, chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và với các cơ quan Trung ương, tạo cơ sở phục vụ chuyển đổi số. Chú trọng phát triển kỹ năng số cho người dân, nhằm từng bước hình thành “công dân điện tử”. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo phương châm: Nhận thức là yếu tố quyết định; người dân và doanh nghiệp là trung tâm; thể chế và công nghệ là động lực; nền tảng số là đột phá; an toàn, an ninh thông tin là then chốt; chính quyền là tiên phong; sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị sẽ bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số.