Mường Chà đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn

08:43 - Thứ Tư, 05/01/2022 Lượt xem: 4963 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tuy nhiên, vẫn chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Để công tác đào tạo nghề đem lại hiệu quả thiết thực, địa phương đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Cán bộ xã Mường Mươn tham quan mô hình trồng bưởi da xanh của người dân trên địa bàn.

Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2016 đến nay, huyện Mường Chà đã đào tạo sơ cấp nghề cho 1.580 học viên. Sau đào tạo có trên 70% số học viên tự tạo được việc làm và tham gia lao động bằng nghề mình đã học tập. Hàng năm trước nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, trong và ngoài tỉnh, huyện Mường Chà đã chủ động điều chỉnh chương trình giảng dạy, mở rộng ngành nghề phi nông nghiệp cho người dân. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như: May công nghiệp, xây dựng… cung cấp lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp may mặc tại Hà Nội, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Với mức thu nhập trung bình từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Chị Sùng Thị Cớ, xã Hừa Ngài, học nghề may năm 2017. Sau khi hoàn thành lớp học may công nghiệp chị đã được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty May Đức Giang (Hà Nội). Với mức thu nhập ổn định 10 triệu đồng/tháng, đã giúp gia đình chị Cớ ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Còn anh Nguyễn Văn Cao, tổ 11, thị trấn Mường Chà chia sẻ: Sau khi tham gia lớp học xây dựng do huyện tổ chức năm 2018, đã có công việc tương đối ổn định. Tôi làm thuê tại các công trình xây trên địa bàn thị trấn có thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Từ đó, giúp gia đình tôi có cuộc sống ổng định, con cái được học hành đầy đủ và có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang và mua sắm đầy đủ các vật dụng trong gia đình.

Trước đây, gia đình ông Lý A Chu, bản Na Sang, xã Na Sang chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ và trồng ngô, lúa nương, dứa nên thu nhập không cao. Sau khi học xong các lớp kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, ông Chu đã quyết định chuyển đổi hoàn toàn diện tích lúa nương, ngô kém năng suất sang trồng dứa. Hiện nay gia đình ông Chu có gần 4ha dứa. Kết hợp mở rộng chuồng trại chăn nuôi gà vịt, lợn thương phẩm; sau khi trừ chi phí gia đình ông Chu có lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

Ông Trần Trọng Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mường Chà cho biết: Với đặc thù huyện miền núi, tỷ lệ dân cư và dân trí không đồng đều. Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự phát huy hiệu quả; đơn vị đã bám sát nhu cầu người học và yêu cầu của thị trường. Cán bộ trực tiếp xuống xã, thị trấn nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, tư vấn và giúp người lao động chuẩn bị thủ tục để đăng ký học nghề. Đồng thời, thực hiện tốt việc liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, công ty có nhu cầu sử dụng lao động. Thường xuyên đổi mới chương trình dạy nghề phù hợp để người học dễ dàng tiếp cận với các khóa học nghề, tùy theo điều kiện về thời gian và trình độ của mình. Đến nay, Trung tâm đã hoàn thiện được 8 bộ khung chương trình, giáo trình và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp đăng ký hoạt động dạy nghề. Nhìn chung ngành nghề đã đăng ký hoạt động tương đối phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, một số ngành nghề đã được triển khai đào tạo người lao động theo nhu cầu đạt hiệu quả như: Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, lợn; kỹ thuật trồng rau an toàn… để người lao động phát triển kinh tế hộ gia đình. 

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung đào tạo một số ngành nghề phi nông nghiệp mới phù hợp với điều kiện phát triển của huyện để khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương. Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cũng như cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; đồng thời, đổi mới chương trình đào tạo và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người lao động sau học nghề...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top