Chú trọng phát triển nguồn nhân lực

05:45 - Thứ Sáu, 29/04/2022 Lượt xem: 4420 In bài viết

ĐBP - Xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược phải tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện trong giai đoạn tới, tỉnh Điện Biên đã chú trọng phát triển đảm bảo về số lượng và chất lượng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, chất lượng công chức cấp xã ngày càng được nâng cao. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận “Một cửa” UBND xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Trong những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã có những bước phát triển mới. Nguồn nhân lực có sự gia tăng về số lượng, đa dạng cơ cấu, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp, dịch vụ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được kiện toàn, sắp xếp; chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Đến hết năm 2020, lực lượng lao động của tỉnh là trên 360 nghìn người, tăng 40.907 người so với năm 2015, nhịp độ tăng trưởng bình quân đạt 2,4%/năm. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực công tác được tăng cường. Quan tâm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ trí thức về công tác tại địa phương. Đến năm 2020, các chỉ tiêu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hầu hết đạt và vượt kế hoạch; 99% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công tác, 75% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nhân lực của tỉnh giai đoạn 2012 - 2021 vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục như: Cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế còn chuyển dịch chậm, tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu dân cư chưa đáp ứng mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra; chất lượng nguồn nhân lực về trình độ chuyên môn, tác phong, kỹ năng nghề, kỷ luật lao động chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; sự chênh lệch lớn về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật giữa nông thôn và thành thị, giữa địa bàn vùng cao, biên giới và địa bàn trung tâm; lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng; các chỉ số sức khỏe được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với cả nước.

Giai đoạn hiện nay, với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và nền kinh tế tri thức đang tạo ra thời cơ, vận hội cũng như thách thức để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Từ đó, đặt ra yêu cầu đối với công tác phát triển nhân lực tỉnh cần phải được đầu tư thực hiện theo quy hoạch đồng bộ với những mục tiêu, phương hướng và giải pháp khả thi nhằm phát triển một đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật lao động tốt đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Xác định rõ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên có quy mô, cơ cấu hợp lý; tạo ra lực lượng lao động có chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu lao động của các ngành kinh tế, trở thành lợi thế, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị bảo đảm sự liên tục, đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Trịnh Hoàng Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của Nghị quyết số 10-NQ/TU, các nhiệm vụ trọng tâm cùng nhiều giải pháp linh hoạt đã được tỉnh đặt ra nhằm triển khai hiệu quả chương trình. Trong đó, tập trung hiệu quả các mục tiêu y tế quốc gia, dân số và kế hoạch hóa gia đình; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trình độ học vấn, kỹ thuật của người lao động; thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, nâng cao chất lượng dân số và thể trọng nguồn nhân lực.

Tin tưởng rằng, với những đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong triển khai, đồng bộ các giải pháp, công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được mục tiêu đề ra; qua đó, tạo lợi thế về nhân lực để thu hút các dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top