Nỗ lực thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế

06:02 - Thứ Năm, 26/05/2022 Lượt xem: 4894 In bài viết

ĐBP - Việc nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT được coi là cần thiết khi giúp nhiều người dân được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước trong chăm lo sức khỏe nhân dân, giảm gánh nặng tài chính khi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, dù chính sách BHYT rất ưu việt, nhưng việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT luôn là điều không dễ dàng, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và triển khai quyết liệt.

BHXH tỉnh tổ chức tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT cho người dân.

Điểm tựa BHYT

Khi tham gia BHYT, người dân sẽ được Quỹ BHYT chi trả, mỗi khi bị ốm đau, bệnh tật, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Riêng đối với hộ nghèo và cận nghèo, việc khám và điều trị bệnh cũng được BHYT chia sẻ, nhất là những căn bệnh đòi hỏi phải điều trị kéo dài, chi phí cao, như: suy thận mãn, bệnh tim, ung thư… Cụ thể, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến được quỹ BHYT chi trả 80% đến 100% chi phí khám chữa bệnh theo phạm vi và quyền lợi hưởng, tùy thuộc vào nhóm đối tượng.

Thực tế cho thấy, tham gia BHYT là hết sức quan trọng và cần thiết, bởi những lợi ích thiết thực mà nó mang lại cho mỗi người dân, gia đình. Tại tỉnh Điện Biên, trong thời gian qua, chính sách BHYT đã giúp cho nhiều người bệnh, đặc biệt là người nghèo có cơ hội điều trị bệnh và có cuộc sống khỏe mạnh. Em P. T. H., sinh năm 1996, trú tại phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Về tình trạng bệnh, H. phải cắt tử cung bán phần; bị lupus ban đỏ hệ thống, viêm cầu thận, nhiễm khuẩn huyết đường vào tử cung... với chi phí điều trị trên 670 triệu đồng. Nhờ tham gia BHYT, H. chỉ phải chi trả một phần chi phí và yên tâm chữa trị.

Cũng như H., trường hợp ông L. V. P., sinh năm 1968, trú tại xã Mường Lói (huyện Điện Biên) cũng phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và thực hiện phẫu thuật Bentall để thay gốc động mạch chủ và thay van động mạch chủ cơ học. Chi phí trên 540 triệu đồng đã vượt quá xa điều kiện kinh tế của gia đình. Rất may mắn khi ông H. đã tham gia và được hưởng quyền lợi từ chính sách BHYT. Nhờ vậy, ông H. có thêm khả năng để điều trị và vượt lên bệnh tật.

Không chỉ có trường hợp ông P., em H., BHYT hiện đang gỡ bỏ gánh nặng về kinh tế cho nhiều gia đình. Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh mãn tính, bệnh nặng và điều trị kỹ thuật cao, BHYT đã chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều người tham gia BHYT. Tính hết ngày 30/4/2022, toàn tỉnh có 594.925 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ là 94% dân số. Song song với đó, BHXH tỉnh đã phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt chính sách BHYT qua việc mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh BHYT đến cơ sở y tế xã, phường, thị trấn, các cơ sở y tế tư nhân. Chính sách này cũng giúp giảm tình trạng quá tải ở cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế tại cơ sở y tế gần nhất, giảm thời gian chờ đợi và chi phí đi lại. Đặc biệt, nhằm giúp người bệnh được thuận tiện hơn trong khám chữa bệnh BHYT, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19, BHXH đã phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đưa vào sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động (cùng với giấy tờ tùy thân) của người tham gia để thay thế cho thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh.

Khó hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT

Năm 2022, tỉnh Điện Biên được giao tỷ lệ bao phủ BHYT là 98%. Việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT trên đã đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan đơn vị và ngành BHXH tỉnh thách thức không nhỏ. Với đặc thù là tỉnh miền núi biên giới đa dân tộc, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số thì việc triển khai Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 trở thành khó khăn lớn gây ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh. Theo thống kê của BHXH tỉnh, số người tham gia BHYT giảm theo Quyết định 861 trên địa bàn tỉnh là trên 48.000 người. Trong đó, đa số người dân không tiếp tục được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, khó có khả năng mua thẻ BHYT. Ngoài ra, nguy cơ tái nghèo cao do không tham gia BHYT nên không được quỹ BHYT chi trả khi bị ốm đau, bệnh tật, trường hợp mắc bệnh nặng, hiểm nghèo sẽ rất tốn kém trả chi phí khám chữa bệnh. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây khó khăn đến hoạt động của các doanh nghiệp, ảnh hướng trực tiếp đến người lao động, thu nhập không ổn định, không đủ nguồn lực tài chính nên không có khả năng tham gia BHYT mặc dù họ đã hiểu về lợi ích khi tham gia BHYT.

Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Để mở rộng diện bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh, ngành BHXH tỉnh tăng cường phối hợp với các cấp, ngành liên quan tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT và khám chữa bệnh BHYT; tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Chỉ đạo thực hiện tốt việc giao chỉ tiêu về BHXH, BHYT, BHTN cho các địa phương, đơn vị; kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại thúc đẩy thực hiện hiệu quả công tác BHXH, BHTN, nhất là các xã, vùng cao, vùng biên giới có tỷ lệ bao phủ thấp. Phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống cơ quan truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền đến nhóm người lao động, người sử dụng lao động, người lao động phi chính thức, đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn với nội dung, hình thức phù hợp. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT tại các xã, phường, thị trấn. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện chế độ BHYT; bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top