Nâng cao chất lượng hoạt động công chứng

06:03 - Chủ Nhật, 05/06/2022 Lượt xem: 3604 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, hoạt động công chứng tại tỉnh ta đã có những bước phát triển tích cực, đáp ứng nhu cầu công chứng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Khách hàng đến giao dịch tại Phòng Công chứng số 1.

Toàn tỉnh hiện có 7 công chứng viên hành nghề, hoạt động tại 3 cơ sở gồm: Phòng Công chứng số 1; Văn phòng Công chứng Xuân Phúc và Văn phòng Công chứng Điện Biên. Chất lượng đội ngũ công chứng viên cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, với 100% công chứng viên là cử nhân luật và tốt nghiệp các khóa đào tạo về công chứng viên. Bình quân mỗi năm, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh thực hiện hàng nghìn việc công chứng, chứng thực. Năm 2021, Phòng Công chứng số 1 và các văn phòng công chứng trên địa bàn đã thực hiện 8.920 việc, với tổng phí công chứng trên 3,2 tỷ đồng, số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước gần 550 triệu đồng; thù lao công chứng thu được trên 92 triệu đồng.

Một ngày cuối tháng 5, có mặt tại Phòng Công chứng số 1 chúng tôi nhận thấy hoạt động công chứng, chứng thực rất nhộn nhịp. Là một trong những người đến Phòng công chứng từ sớm, bà Nguyễn Thị Vy, 72 tuổi, ở tổ dân phố 1, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: “Tôi đến làm các thủ tục công chứng thừa kế tài sản (đất ở) cho cháu đích tôn theo đúng quy định của pháp luật. Các nhân viên ở đây tiếp đón rất nhiệt tình”.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng Công chứng số 1 cho biết: Những năm gần đây nhu cầu người dân đến cơ sở công chứng ngày càng nhiều. Nội dung công chứng cũng rất đa dạng như: Hợp đồng mua bán, vay, mượn, thế chấp, cầm cố tài sản; hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho nhà ở và quyền sử dụng đất; hợp đồng cho thuê, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; thỏa thuận phân chia, nhập và xác nhận tài sản của vợ, chồng; di chúc, khai nhận di sản, thỏa thuận phân chia di sản, từ chối nhận di sản, nhận lưu giữ di chúc; hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền…. Trung bình mỗi ngày Phòng Công chứng số 1 tiếp 15 - 20 lượt người dân đến chứng thực các giấy tờ và thực hiện các hợp đồng giao dịch.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng trên địa bàn, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công chứng như: Rà soát, đánh giá và đề xuất việc thực hiện các chính sách tài chính của tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; mở lớp đào tạo nghề công chứng viên tại tỉnh nhằm đào tạo nguồn công chứng viên ổn định, lâu dài... Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng. Hiện nay, các phòng, văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh đều sử dụng phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực.

Bà Lù Thị Thúy, Trưởng phòng Hành chính (Sở Tư pháp) cho biết: Sử dụng phần mềm các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, nắm được số lượng hợp đồng công chứng, chứng thực trên địa bàn. Đồng thời thường xuyên cập nhật những thông tin ngăn chặn lên phần mềm để hạn chế sai sót trong hoạt động công chứng; kịp thời ngăn chặn các loại tài sản đang tranh chấp, liên quan đến công tác thi hành án dân sự, tránh xảy ra trường hợp một tài sản giao dịch nhiều lần được công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng khác nhau. Năm 2021, Sở đã đăng tải hàng chục thông tin dữ liệu ngăn chặn lên phần mềm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ công chứng viên trên địa bàn cũng được Sở Tư pháp quan tâm chú trọng. Hàng năm, Sở nắm bắt và thông báo các chương trình đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến công tác công chứng do Học viện Tư pháp tổ chức tới công chứng viên để họ bố trí thời gian tham gia nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ. Dự kiến, tháng 6 năm nay, Sở phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức lớp đào tạo nghề công chứng với 35 học viên theo học.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực công chứng cũng được cơ quan chức năng quan tâm thực hiện thường xuyên. Hằng năm, Sở Tư pháp xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng. Qua kiểm tra, kịp thời rút kinh nghiệm và chấn chỉnh khắc phục hạn chế, sai sót, từ đó nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện các việc công chứng, bảo đảm hoạt động công chứng đúng quy định của pháp luật. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra các cơ quan chức năng đã phát hiện trên địa bàn có đối tượng làm con dấu giả của Phòng Công chứng số 1 và chữ ký giả của công chứng viên. Vụ việc đã được điều tra, xét xử; TAND tỉnh Điện Biên đã xét xử 1 vụ án liên quan đến hoạt động công chứng, phạt tù 1 bị cáo với mức án 17 năm tù giam.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận

Tin khác

Back To Top