Trân quý tháng ngày trên đất nước “triệu voi”

10:43 - Thứ Năm, 29/09/2022 Lượt xem: 5418 In bài viết

ĐBP - Với mối quan hệ láng giềng gắn kết, Việt Nam - Lào nói chung, Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào nói riêng đã có nhiều chương trình hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Trong đó đã có nhiều cán bộ, sinh viên tỉnh Điện Biên sang công tác, học tập tại nước bạn. Họ đã không chỉ hoàn thành trách nhiệm được giao mà còn để lại ấn tượng tốt, làm đẹp thêm mối quan hệ giữa 2 dân tộc. Mỗi người cũng đều coi nơi mình học tập, công tác tại nước bạn là ngôi nhà thứ 2 với nhiều sự trân trọng, để “khi ta ở, chỉ là nơi đất ở // khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”.

Chị Quàng Thị Kiêm (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh kỷ niệm ngày tốt nghiệp cùng bạn Lào và Việt Nam. Ảnh: C.T.V

Giai đoạn 2012 - 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã thực hiện nhiều nội dung hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với Sở Nông Lâm nghiệp các tỉnh: Luông Pha Băng, Phoong Sa Ly và U Đôm Xay. Nhiều lượt cán bộ của ta đã sang hỗ trợ bạn chuyển giao, nâng cao kỹ thuật chuyên môn. Trong đó có anh Bùi Ngọc Sơn, hiện là Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh. Năm 2016, khi đang là Phó Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), anh Sơn được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho Trung tâm Chuyển giao khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Hạt Thẳm, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly. Tại đây anh được giao chức trách đồng giám đốc Trung tâm trong thời gian 1 năm, tham gia điều hành hoạt động trung tâm từ xây dựng kế hoạch chương trình đến tổ chức làm mô hình chuyển giao, tham quan học tập, hội nghị, hội thảo liên quan...

Trong vai trò này, anh Sơn tổ chức triển khai một số mô hình thí điểm trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp cho Trung tâm và người dân địa bàn, bao gồm: Trồng ngô lai, cây ăn quả, sản xuất nấm, chăn nuôi bò, lợn nái sinh sản, lợn thịt, trồng lúa nước, sản xuất cá giống và cá thương phẩm... Anh Sơn cho biết: “Thời điểm ấy, bên huyện Mường Mày vẫn còn yếu về chuyên môn kỹ thuật nông nghiệp, người dân cũng canh tác, chăn nuôi chưa tiên tiến, hiệu quả. Như trồng lúa thì chỉ gieo xuống, ít chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất thấp; cá giống chưa ương tại địa bàn mà thông qua tư thương, cá nhân lấy từ Điện Biên sang nên giá thành cao... Việc thực hiện các mô hình nhằm giúp thay đổi cách làm cho người dân với quy trình kỹ thuật tiên tiến hơn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng và sản lượng nông sản”.

Với mục tiêu ấy, anh Sơn trực tiếp bắt tay vào làm và hướng dẫn tường tận cho các cán bộ Trung tâm Chuyển giao khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Hạt Thẳm cùng các hộ tham gia mô hình. Với cách làm tiên tiến hơn, năng suất lúa đã tăng khoảng 30%; mô hình ương cá giống, nuôi cá thương phẩm thành công, được nhân rộng, đáp ứng cung cấp tại địa bàn huyện với giá thành thấp hơn 20 - 30% so với chuyển từ Điện Biên sang. Tốc độ cá lớn nhanh, sinh trưởng tốt, cho sản lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Đây cũng là mô hình hiệu quả nhất trong thời gian anh Sơn hỗ trợ Trung tâm. Sau thành công này, anh Sơn tiếp tục thử nghiệm có hiệu quả mô hình sáng kiến nuôi cá lúa - áp dụng quy trình gieo cấy lúa và nuôi cá trong ruộng; xây dựng kế hoạch nhân rộng ra các hộ tại địa phương trước khi anh quay trở lại Điện Biên. Anh Sơn chia sẻ: “1 năm hỗ trợ bên nước bạn Lào là thời gian đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Tôi thấy mình đã làm được việc ý nghĩa, hoàn thành nhiệm vụ được giao, giúp bạn nâng cao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Không chỉ cho đi mà tôi còn được nhận lại. Đó là tình cảm đáng quý của đồng nghiệp, người dân Mường Mày. Họ sống rất tình cảm, giúp đỡ tôi nhiều trong cuộc sống thường ngày suốt 1 năm công tác nơi đất bạn”.

Khác anh Sơn, chị Quàng Thị Kiêm có 6 năm học tập tại Trường Đại học Su - pha - nu - vông (Luông Pha Băng) với chuyên ngành sư phạm tiếng Lào. Sau khi trở về quê hương, chị trở thành giáo viên dạy tiếng Lào tại Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ tỉnh cho đến nay. Chị Kiêm kể lại: “Năm 2006, tốt nghiệp THPT, tôi sang Luông Pha Băng học theo đề án hợp tác giáo dục giữa 2 địa phương. Khi ấy, tỉnh Điện Biên có 5 sinh viên, Sơn La có 5 sinh viên học cùng khóa. Rời vòng tay bố mẹ, sang nước bạn xa xôi, ban đầu tôi nhớ nhà lắm, khóc suốt nhưng được thầy cô, bạn bè quan tâm, giúp đỡ và với sự tương đồng về văn hóa 2 dân tộc, tôi dần hòa nhập, thích nghi nhanh và không biết từ khi nào đã coi nơi ấy như ngôi nhà thứ 2 của mình”.

Chị Kiêm cùng các bạn Việt Nam được trường, thầy cô và bạn bè người Lào giúp đỡ nhiều từ sinh hoạt, học hành, tâm tư, hỗ trợ y tế chăm sóc sức khỏe... Tết Nguyên đán dù không thể về nước sum vầy cùng gia đình, chị Kiêm cũng đỡ phần nào nhớ nhà bởi Tổng lãnh sự quán và sinh viên nơi đây tổ chức gói bánh chưng, ăn Tết Việt với sự tham gia của thầy cô nhà trường. “Tôi rất ấn tượng và yêu quý con người nơi ấy, họ rất thân thiện, tốt bụng, mang đến cho tôi cảm giác ấm cúng, gần gũi như gia đình.

Ký ức 6 năm học tập bên nước bạn Lào ùa về làm chị Kiêm xúc động, thôi thúc thêm dự định quay trở lại thăm trường xưa. Từ khi ra trường, về nước, chị chưa có cơ hội, thời gian về thăm mảnh đất ấy. Chị thổ lộ ý định đưa các con cùng gia đình sang thăm nước bạn và thăm ngôi trường cũ, để người thân biết được nơi mình đã từng học và có được công việc, cuộc sống như hiện tại. Sắp tới Ngày hội Văn hóa Việt Nam - Lào, chị Kiêm chia sẻ: “Tôi được phân công tham gia đón đoàn của nước bạn Lào. Từ khi nhận nhiệm vụ, tôi bồi hồi, mong chờ suốt nhiều ngày liền. Dịp này tôi có thể gặp được một số người quen cũ nên càng háo hức”.

Nước bạn Lào đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp, mang lại nhiều trải nghiệm đáng quý trong mỗi cán bộ, sinh viên người Điện Biên có thời gian công tác, học tập trên đất nước triệu voi. Tri thức, tình cảm họ trao đi và nhận lại đã làm đẹp thêm mối quan hệ gắn kết bền lâu Việt Nam - Lào.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top