Nâng tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

07:46 - Thứ Hai, 28/11/2022 Lượt xem: 4209 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn đầu tư của nhà nước, đã có hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng, đáp ứng nhu cầu nước ăn và sinh hoạt, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ 47 hộ dân bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé).

Từ nguồn vốn ngân sách trung ương đầu tư, đến nay công trình cấp nước thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng với công suất 2.500m3/ngày đêm (hiện nay đang trong quá trình vận hành thử). Đây là công trình có quy mô khá lớn với các hạng mục chính, như: Công trình thu nước thô (đập dâng, tuyến ống thô); trạm xử lý với cụm bể phản ứng, bể lắng, lọc, phản ứng thủy lực zích zắc đứng, bể lắng Lamen, trạm bơm, nhà hóa chất và khử trùng; mạng lưới truyền dẫn, phân phối và dịch vụ. Sau khi đưa vào sử dụng, công trình cung cấp nước sạch cho 4.500 nhân khẩu và dự kiến đến năm 2030 sẽ cấp nước phục vụ cho hơn 11.700 nhân khẩu trên địa bàn thị trấn Mường Ảng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Công trình nhà máy nước trung tâm huyện Nậm Pồ đã được đưa vào khai thác, sử dụng với công suất 1.200m3/ngày, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho 10 nghìn cán bộ, công chức, nhân dân khu vực trung tâm huyện. Công trình đã giải quyết những khó khăn, thiếu thốn về nước sinh hoạt trong nhiều năm của cán bộ, công chức, người dân khu vực bởi trước đây phải dùng nguồn nước tự chảy, dẫn từ các khe suối về thường xuyên bị thiếu và đục bẩn.

Những năm qua, thông qua các chương trình, dự án (nông thôn mới; chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn) đã có hàng trăm công trình nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Điển hình, từ nguồn vốn Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, trong năm 2021 toàn tỉnh có 9 dự án công trình nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng mới. Trong đó 3 công trình và 1.152 đầu mối cấp nước cho cộng đồng dân cư; 40 công trình cấp nước mới và cải tạo cho các trường học. Xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) là một trong những xã được triển khai thực hiện dự án cấp nước sạch. Đến nay, hệ thống đường ống tại xã Noong Hẹt cơ bản đã đảm bảo cấp nước sạch cho 11.227 người dân và hơn 1.220 cán hộ, học sinh và các khu công sở của trung tâm xã đến năm 2032. Dự án có 903 đầu mối, với tiêu chuẩn 60 lít/người/ngày, đêm; cán bộ, học sinh là 20 lít/ngày, đêm. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 10,2 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới và vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.

Với sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, đến nay tỉnh Điện Biên đã đạt được những tiến bộ rõ rệt về cấp nước sinh hoạt nông thôn. Tỷ lệ hộ nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 87%. Trong đó, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung hơn 49%; từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình gần 38%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn gần 13%.

Do đa số công trình nước sinh hoạt tập trung nằm tại vùng cao, vùng xa nhận thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế, ý thức bảo vệ và bảo quản công trình chưa cao, vì vậy vẫn để xảy ra tình trạng phá hoại cơ sở vật chất. Một số công trình hiệu quả sử dụng hạn chế, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước so với thiết kế đạt thấp... Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình nước sạch, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tham gia quản lý, sử dụng, bảo quản các công trình nước sinh hoạt tập trung; nâng cao năng lực cho tổ quản lý, vận hành công trình; lập phương án quản lý, vận hành khai thác và bảo trì, bảo dưỡng công trình.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top