Mang lại điều kiện sống tốt hơn cho người dân

07:25 - Thứ Hai, 05/12/2022 Lượt xem: 4530 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là 1 trong 21 tỉnh được thụ hưởng Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016 - 2022. Đến nay, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh hộ gia đình và vệ sinh cá nhân, mang lại điều kiện sống tốt hơn cho người dân khu vực nông thôn, nhất là các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Cán bộ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” thực hiện truyền thông tại xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ.

Năm 2021, chương trình đã thi công và hoàn thành 3 công trình cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư với 1.152 đầu nối; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới 46 công trình cấp nước và vệ sinh cho trường học (25 công trình sửa chữa và 21 công trình xây mới). Đồng thời chương trình đã hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 979 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách của 27 xã thuộc 9 huyện trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của UBND tỉnh, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” đã cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch nông thôn, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu tỷ lệ dân số toàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85%.

Năm 2022, Chương trình tập trung thực hiện hỗ trợ 700 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách tại 30 xã thuộc 7 huyện: Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông và Điện Biên. Đồng thời, thực hiện công tác truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình. Đến nay, Sở Y tế đang phối hợp với trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế xã và UBND các xã được thụ hưởng chương trình tiến hành rà soát, tổng hợp và hướng dẫn các hộ đăng ký xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh. Trên cơ sở đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với cán bộ y tế huyện đến các thôn bản hướng dẫn người dân kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay cơ bản các hộ gia đình đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng. Cán bộ thực hiện chương trình đang trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu công trình.

Anh Vàng A Chứ, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) cho biết: Trước đây, gia đình tôi chưa ý thức được tác hại của việc không có nhà tiêu hợp vệ sinh đối với môi trường và sức khỏe con người. Vừa qua, cán bộ y tế đã về tận bản tuyên truyền về những lợi ích của việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, gia đình tôi đã đăng ký tham gia chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”; mỗi công trình vệ sinh được hỗ trợ hơn 1 triệu đồng. Đến nay tôi đã xây dựng xong và đang đợi cán bộ đến nghiệm thu.

Anh Hoàng Văn Khải, Phó khoa Sức khỏe - Môi trường - Y tế - Trường học và bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Thông qua các hoạt động truyền thông tại cơ sở, người dân đã từng bước hiểu được tác hại của việc mất vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh cá nhân và hộ gia đình từ đó đã thay đổi hành vi trong việc giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, dù người dân đã hiểu và thay đổi hành vi nhưng việc vận động các hộ dân đăng ký xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại một số địa phương vẫn gặp khó khăn. Nhiều hộ dân so sánh mức hỗ trợ của chương trình thấp hơn mức hỗ trợ của các chương trình chung mục tiêu khác nên còn ngần ngại, muốn dành suất để nhận mức hỗ trợ cao hơn. Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận tham gia. Đến nay, cơ bản các hộ dân đã tham gia và thực hiện đầu tư xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo đúng hướng dẫn, kỹ thuật.

Đối với hoạt động truyền thông, cán bộ thực hiện chương trình linh hoạt tổ chức bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền trực tiếp; truyền thông qua video, clip hoặc tranh ảnh để người dân hiểu về công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và hộ gia đình.

Thực tế cho thấy, chương trình đã thay đổi, nâng cao nhận thức, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt tại tuyến cơ sở về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện thói quen vệ sinh an toàn và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp góp phần đảm bảo sức khỏe, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top