Đổi mới công tác đào tạo nghề lao động nông thôn

07:55 - Thứ Tư, 14/12/2022 Lượt xem: 4221 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh từng bước hiệu quả hơn nhờ sự chủ động chuyển từ “lượng” sang “chất”, tăng cường công tác nghiên cứu thị trường để định hướng đúng các chương trình dạy nghề theo nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp. Nhiều lao động đã tìm được việc làm phù hợp, áp dụng hiệu quả kiến thức vào các mô hình sản xuất tại địa phương.

Người dân bản Phiêng Ban, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) học nghề trồng nấm. Ảnh: C.T.V

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chú trọng tìm hướng đổi mới, nhiều hình thức đào tạo nghề được áp dụng, như đào tạo tập trung, đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh, liên kết đào tạo... Chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn từng bước gắn với nhu cầu và nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn. Đồng thời, các cơ sở đào tạo nghề xác định lấy người học là trung tâm, chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Cùng với đó, để công tác đào tạo nghề và việc ứng dụng vào thực tiễn đạt kết quả cao, các địa phương, đơn vị chú trọng công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Vì vậy, nhiều khóa học, đào tạo nghề, người lao động sau khi học có trình độ, nâng cao tay nghề, kiến thức, áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao. Trong tháng 9/2022, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ tổ chức 9 lớp học nghề cho 350 hội viên nông dân. Qua đánh giá, kết thúc khóa đào tạo, có 80% lao động trở lên có việc làm và tự tạo được việc làm, biết áp dụng kiến thức vào thực tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Điển hình là sau khi khảo sát nhu cầu học nghề của người dân một số xã trên địa bàn huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ về nghề trồng nấm, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã mở lớp đào tạo ngắn hạn cho hàng chục lao động địa phương. Chị Lò Thị Tình, bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) chia sẻ: Tham gia lớp đào tạo nghề trồng nấm, chúng tôi được học rất nhiều kiến thức như sơ chế rơm, nghiền vật liệu như thế nào, độ ẩm ra sao, ủ rơm đúng cách... sau đó là sơ chế nấm rơm và nấm sò. Bây giờ tôi đã thành thạo kỹ thuật trồng nấm sò, tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 10.638 lao động. Trong đó, thông qua cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm 2.740 lao động; xuất khẩu lao động 157 người; tuyển dụng vào các doanh nghiệp gần 4.400 lao động; các chương trình khác hơn 3.000 lao động. Trong công tác đào tạo nghề, toàn tỉnh đã đào tạo cho 9.038 lao động; hầu hết đều có việc làm sau đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng, doanh nghiệp. Hiện nay tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo toàn tỉnh đạt 73%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn cho thấy những điểm nghẽn cần được khắc phục để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện nay, phần lớn lao động nông thôn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ, nhận thức không đồng đều; một bộ phận còn phong tục, tập quán lạc hậu và tâm lý thụ động trong học nghề, tìm việc làm. Vì vậy, công tác đào tạo nghề gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những mô hình, cách làm sáng tạo và các chính sách thu hút phù hợp. Việc đào tạo nghề 3 tháng tại thôn, bản như các địa phương đang làm, hiệu quả chỉ mới dừng lại ở nâng cao kỹ năng nghề cho lao động tại chỗ; còn việc đào tạo để khởi nghiệp hoặc làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tỉnh ta đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 8.500 lao động; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ổn định ở tỉnh đạt khoảng 80%. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh xác định tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề. Đồng thời, nâng cao chất lượng dự báo về nhu cầu nguồn lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề. Xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ lao động tìm việc làm sau đào tạo. Đặc biệt, tăng cường sự liên kết “4 nhà”: Nhà nông (người học), nhà trường, nhà nước, nhà sử dụng lao động theo một quy trình tuyển dụng, đào tạo, giải quyết việc làm.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top