Cải thiện chất lượng dân số

07:27 - Thứ Năm, 22/12/2022 Lượt xem: 3075 In bài viết

ĐBP - Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã khẳng định: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh và bền vững”. Quán triệt tinh thần của Nghị quyết, tại tỉnh Điện Biên, công tác dân số trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng dân số trên địa bàn tăng, chất lượng dân số cũng ngày càng được cải thiện.

Chiến dịch truyền thông, khám và tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi được triển khai tại xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ.

Thực trạng dân số Điện Biên

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 635.900 người, tăng hơn 10.000 người so với năm 2021; trong đó, tỷ suất sinh ước đạt 19,33%o, giảm so với năm 2021 là 0,63%o; tỷ lệ phát triển dân số ước đạt 1,63%, vượt kế hoạch (1,60%); tỷ suất tăng dân số tự nhiên ước đạt 14,9%o, vượt kế hoạch (15,1%o);… Tổng tỷ suất sinh (số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) hiện đang ở mức cao so với tỷ suất sinh của cả nước (2,1 con).

Theo Quyết định 588, ngày 28/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, mức sinh được chia theo ba vùng. Điện Biên đang nằm trong số các tỉnh, thành phố có mức sinh cao, tức trung bình trên hai con. Điều này gây ảnh hưởng đến quy mô dân số, nguồn lực về lao động, làm cơ sở để hoạch định các chính sách phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Theo khảo sát, Điện Biên có quy mô dân số lớn, tốc độ gia tăng dân số hàng năm vẫn ở mức cao. Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn xảy ra, tâm lý muốn có nhiều con, ưa thích con trai, định kiến giới vẫn còn sâu sắc. Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 108,8 (108,8 bé trai/100 bé gái) đang cao hơn so với mức trung bình toàn quốc, làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ lệ mắc các bệnh như: Tiểu đường, tim mạch, huyết áp, đặc biệt tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Ý thức về chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; tỷ lệ tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn cao so với toàn quốc. Tỷ lệ phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh được tiếp cận sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh còn thấp; tình trạng tảo hôn, sinh con sớm còn tồn tại ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước thực trạng đó, cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống cho người dân, công tác nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe và tổ chức bộ máy làm công tác dân số tiếp tục được kiện toàn và phát triển; tuổi thọ trung bình tăng qua các năm. Chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng cao. Công tác chăm sóc dinh dưỡng được triển khai thực hiện hiệu quả; việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm thực hiện.

Nâng cao chất lượng dân số

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, song công tác dân số tỉnh ta vẫn gặp những khó khăn, thách thức nhất định như: Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động truyền thông cộng đồng; các chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm công tác dân số cơ sở còn nhiều bất cập; công tác xử lý các trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ chưa đủ răn đe. Việc thực hiện các quy ước, hương ước thôn bản chưa được triển khai mạnh mẽ, nhiều địa phương có đưa nội dung KHHGĐ vào hương ước, quy ước thôn bản nhưng khi cần xử lý lại không nghiêm.

Điện Biên xác định quan điểm nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của cấp ủy các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chất lượng dân số là yếu tố đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương cho công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số; lồng ghép các nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số vào các hoạt động chương trình mục tiêu trên địa bàn.

Bà Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Thời gian tới, ngành Dân số xác định tập trung giải quyết các vấn đề một cách toàn diện, như phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, để phát triển kinh tế; đầu tư chăm sóc người cao tuổi, để thích ứng với quá trình già hóa dân số. Đặc biệt, tích cực điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, đối tượng bảo đảm quy mô dân số hợp lý; nâng cao dịch vụ y tế, chăm sóc thế hệ trẻ tuổi vị thành niên, thanh niên, để đáp ứng với nguồn lực của thành phố ngày càng phát triển.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top