Cuộc sống mới vùng lòng hồ Ẳng Cang

07:37 - Thứ Ba, 03/01/2023 Lượt xem: 3960 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi có mặt tại khu tái định cư bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) những ngày cuối tháng 12 âm lịch. Những ngôi nhà sàn mới khang trang mọc lên san sát; hệ thống điện, đường, nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu cuộc sống thường ngày của người dân. Cảnh núi non trùng điệp hùng vĩ, nước hồ Ẳng Cang trong xanh, hiền hòa tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Cuộc sống mới bình yên, no đủ hiện hữu trên từng gương mặt của người dân vùng lòng hồ.

Nuôi cá lồng - hướng phát triển kinh tế mới của người dân vùng lòng hồ Ẳng Cang.

Ngược thời gian trở lại hơn chục năm trước (từ năm 2009), để thực hiện công trình hồ chứa nước Ẳng Cang, hơn 100 hộ dân bản Mánh Đanh và các bản lân cận đã phải nhường đất ở, đất sản xuất cho dự án. Trong đó, có 62 hộ phải di dời về khu tái định cư. Cuộc sống trong những ngày đầu về khu tái định cư, khi công trình hồ chứa nước Ẳng Cang còn dang dở với vô vàn khó nhọc vất vả. Tư liệu sản xuất bị thu hẹp, người dân không có công ăn việc làm ổn định. Để khắc phục tình trạng đó, chính quyền xã Ẳng Cang đã tuyên truyền vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sang những cây con có giá trị (cà phê, cây ăn quả) sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi ngan, gà, vịt; phòng trị bệnh cho trâu, bò; trồng và chăm sóc cây cà phê, cây ăn quả... cho người dân. Từ đó, người dân đã thay đổi tư duy, thay đổi nếp nghĩ cách làm, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi sản xuất của gia đình. Trong bản xuất hiện nhiều triệu phú chăn nuôi, triệu phú cà phê, tiêu biểu như: Lường Văn Thiên, Lường Văn Kinh, Lường Văn Chiến... Đến nay 100% hộ dân trong bản được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng điện lưới; 100% hộ có ti vi, xe máy. Đặc biệt 100% hộ tái định cư có nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định.

Anh Lương Văn Kinh, người dân bản Mánh Đanh chia sẻ: Nhường đất cho dự án hồ chứa nước Ẳng Cang, diện tích đất sản xuất của gia đình bị thu hẹp nhiều. Gia đình tôi đã chuyển hướng sang kinh doanh, kết hợp chăn nuôi; mở cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu mua bán của người dân trong bản, kết hợp nuôi 2 con lợn nái, 20 con lợn thương phẩm, 10 con bò. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, các kiến thức đã tập huấn vào chăn nuôi của gia đình nên đàn lợn, bò của gia đình sinh trưởng phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Hàng năm riêng từ chăn nuôi giúp gia đình có thêm thu nhập trên 70 triệu đồng. Ngoài ra, với số tiền từ đền bù tái định cư cùng với số tiền tích cóp được gần đây gia đình đã mua thêm hơn 2ha cà phê góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập.

Kể từ khi đưa vào sử dụng công trình hồ chứa nước Ẳng Cang đã tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn với diện tích trên 30ha mặt nước trên địa bàn bản Mánh Đanh. Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản được cấp ủy, chính quyền nơi đây kỳ vọng là hướng đi giúp bà con vùng tái định cư phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững sau khi chuyển đến nơi ở mới.

Ông Đào Duy Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Ẳng Cang cho biết: Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn huyện, với điều kiện thuận lợi về diện tích mặt nước và các thông số thủy lý hóa phù hợp, lòng hồ Ẳng Cang được đánh giá có tiềm năng phát triển nuôi cá lồng. Đây là hướng đi mới, cách làm hay, có tính đột phá nhằm hình thành vùng nuôi thả cá theo hướng sản xuất hàng hóa. Nuôi cá lồng được xem như giải pháp thay thế trong sản xuất nông nghiệp trên mặt đất vì phần lớn đất canh tác của người dân sinh sống tại đây đã bị ngập sâu. Để triển khai dự án nuôi cá thương phẩm, chính quyền xã đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện tập trung tuyên truyền đến người dân. Tổ chức cho người dân vùng lòng hồ được tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng tại các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La).

Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khẩn trương xây dựng mô hình trình diễn nuôi cá lồng để nhân dân học tập. Mô hình triển khai trong một nhóm hộ gia đình thuộc diện tái định cư tại hồ chứa nước Ẳng Cang, gồm 2 bè, 8 lồng với tổng diện tích nuôi thả gần 650m2, gồm các loại cá: Trắm, rô phi đơn tính, chép. Đến nay sau gần 5 tháng triển khai đàn cá sinh trưởng phát triển tốt.

Anh Lường Văn Minh, một trong những hộ tham gia mô hình nuôi cá lồng chia sẻ: Hiện nay đang trong giai đoạn thử nghiệm của mô hình nên người dân được đầu tư hỗ trợ 100% về cá giống, thức ăn, lồng bè và được tập huấn kĩ thuật nuôi cá theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Nhờ đó, người dân chúng tôi đã nắm được đầy đủ kiến thức, kĩ năng chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Hiện đàn cá sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt cá rô phi đơn tính phát triển trội hơn hẳn, trọng lượng trung bình đạt từ 0,7 - 0,9kg/con; các loại cá trắm, chép phát triển bình thường, tỷ lệ sống trên 80%. Mô hình triển khai thành công sẽ là hướng đi mới giúp người dân chúng tôi xóa đói giảm nghèo bền vững nhờ tận dụng lợi thế diện tích mặt nước.

“Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, với tiềm năng lợi thế về diện tích mặt nước rộng, bao quanh là đồi núi hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, không chỉ có thể phát triển nuôi cá lồng, mà còn có tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa cộng đồng. Bởi nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của người dân nơi đây vẫn được lưu giữ, bảo tồn. Đây sẽ là những sản phẩm du lịch thú vị với du khách ưa khám phá, trải nghiệm. Trong thời gian tới xã Ẳng Cang cùng với các cơ quan chuyên môn đề xuất ý tưởng, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ Ẳng Cang” - ông Đào Duy Thạch, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ.

Rời Ẳng Cang khi tiết trời vào xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, một màu xanh non bao phủ cảnh vật núi đồi nơi đây. Những nụ đào rừng chen nhau đua nở, một mùa xuân mới đang về với người dân vùng lòng hồ. Với sự cần cù chịu thương, chịu khó, sự mạnh dạn đổi thay trong cách nghĩ, cách làm đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao, mang đến một cái tết sung túc đủ đầy cho người dân.

Tuấn Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top