Thêm cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển

06:59 - Thứ Năm, 26/01/2023 Lượt xem: 6194 In bài viết

ĐBP - Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đánh giá sẽ là “cú hích” phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn cả nước. Tại tỉnh Điện Biên, mặc dù mới được triển khai song chương trình đã và đang góp phần thay đổi diện mạo khu vực vùng cao, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bản làng vùng cao đổi thay từ những chương trình, dự án. Trong ảnh: Bản văn hóa Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) hôm nay. Ảnh: Trần Dũng

Năm 2022, nguồn vốn Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh là 652,214 tỷ đồng; trong đó: Vốn đầu tư phát triển là 477,821 tỷ đồng để thực hiện 51 dự án khởi công mới, 13 dự án tiếp chi và vốn sự nghiệp là 174,393 tỷ đồng. Đến thời điểm đầu tháng 12/2022, toàn tỉnh đã hoàn thành giải ngân 73,109 tỷ đồng, đạt 5,53%. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị và địa phương đang khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới, phấn đấu hết ngày 31/12/2022, tỷ lệ giải ngân các dự án đạt từ 10 - 30%.

Thực hiện đầu tư phát triển theo nguồn vốn Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2022 huyện Tủa Chùa đã tổ chức khởi công mới 4 dự án, gồm: Đường Trung tâm xã Mường Đun - bản Hột; tuyến đường Sính Phình - Trung Thu - Lao Xả Phình - Tả Sìn Thàng (trung tâm xã Trung thu - Cáng Phình); bổ sung, nâng cấp các trường tiểu học và THCS trên địa bàn xã Tủa Thàng và bổ sung, nâng cấp các trường tiểu học và THCS trên địa bàn xã Sính Phình. Mặc dù được giao vốn muộn song đến nay các công trình đều vượt tiến độ đề ra. Đến hết ngày 31/12/2022, huyện Tủa Chùa phấn đấu giải ngân 100% vốn thuộc Chương trình.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Tủa Thàng cho biết: Nhà trường đã được đầu tư, nâng cấp trường, lớp học với quy mô lớn và trang thiết bị hiện đại. Dự kiến đến giữa năm 2023, công trình sẽ được bàn giao và đưa vào sử dụng. Như vậy, trong năm học 2023 - 2024 thầy trò nhà trường sẽ được dạy và học trong ngôi trường mới rộng rãi, khang trang. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học sẽ góp phần rất lớn nâng cao chất lượng dạy và học, chăm sóc tốt hơn cho học sinh bán trú của nhà trường.

Đối với huyện Mường Ảng, nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và cả 3 chương trình MTQG nói chung, sẽ tập trung hỗ trợ con giống để phát triển đại gia súc và thủy sản. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, huyện Mường Ảng yêu cầu các xã thực hiện việc luân chuyển con giống trâu, bò, lợn giữa các xã trên địa bàn. Cách làm này sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng con giống bị bệnh do thay đổi môi trường sống, khí hậu, thổ nhưỡng. Đồng thời, cắt giảm các khâu trung gian để người dân được hưởng lợi cao nhất.

Huyện Điện Biên Đông thì sử dụng nguồn vốn sự nghiệp được phân bổ tập trung thực hiện các dự án, tiểu dự án về truyền thông dân số, nâng cao chất lượng dân số; phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ các hủ tục…

Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Phình Giàng cho biết: Qua các buổi tập huấn tại bản, cán bộ huyện đã vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, từ bỏ các hủ tục… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Điển hình như việc tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh các trường THCS trên địa bàn. Đây là hoạt động rất cần thiết, phù hợp với thực trạng của các xã trên địa bàn huyện hiện nay.

Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top