Nửa nhiệm kỳ giảm nghèo

07:40 - Thứ Sáu, 03/02/2023 Lượt xem: 4553 In bài viết

ĐBP - Nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025 dần đi qua, một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là giảm tỷ lệ hộ nghèo. Dù có biến động liên quan đến tiêu chí giảm nghèo và gặp nhiều khó khăn đặc thù, công tác này vẫn đạt một số kết quả tích cực.

Sau khi được chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Lò Văn Pọm, bản Na Hươm, xã Na Tông (huyện Điện Biên) đã làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.

Cơ hội và thách thức

Công tác giảm nghèo nhiệm kỳ 2020 - 2025 có biến động liên quan đến quy định chuẩn nghèo đa chiều mới, với nhiều tiêu chí có cấp độ, mức độ cao hơn so với chuẩn nghèo giai đoạn trước. Khi áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta tăng từ 30,67% năm 2020 lên 34,90% năm 2021. Đây vừa là thách thức và vừa là cơ hội trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: “Nói về thách thức, nhiều hộ trên địa bàn tỉnh dù thoát nghèo, thoát cận nghèo từ những năm trước, nhưng khi áp vào các tiêu chí của giai đoạn mới lại tái nghèo, cận nghèo. Với những thay đổi về chuẩn nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động cũng là vấn đề khó đối với địa phương. Tuy nhiên nó cũng là cơ hội. Giai đoạn này, địa phương có thể huy động nguồn lực từ các chương trình mục tiêu, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững để tập trung cải thiện mức độ giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, mở rộng bảo trợ xã hội và thúc đẩy các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội”.

Tại huyện Tuần Giáo, áp dụng quy định chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cũng tăng lên 49,72% (năm 2021), tăng hơn 16,5% so với năm trước. Giai đoạn 2021 - 2025, Tuần Giáo “tái nghèo”, ghi tên mình là một trong những huyện nghèo trên cả nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thách thức quá rõ, tỷ lệ hộ nghèo cao, các cấp thêm trách nhiệm nặng nề giảm nghèo nhanh và bền vững, khắc phục những chỉ tiêu yếu, thiếu hụt, đặc biệt là thu nhập, chỉ số việc làm...

Bà Lường Thị Nhung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: “Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện tăng cao do đặc thù địa bàn vùng cao khó khăn, thiếu hụt nhiều chỉ số. Việc áp dụng chuẩn nghèo mới phản ánh đúng và toàn diện tình hình cơ sở. Dù tạo ra nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo, nhưng việc đánh giá đa chiều này cũng là cơ hội để cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn nhìn nhận đúng bản chất, nguyên nhân vấn đề. Từ đó có thêm nhiều giải pháp và cách tiếp cận, tranh thủ các nguồn lực, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thúc đẩy giảm nghèo bền vững”. Nhận thức rõ điều đó, với sự vào cuộc đồng bộ, năm 2022 Tuần Giáo giảm được 8,22% hộ nghèo, quyết tâm thoát nghèo vào năm 2025.

Theo rà soát đánh giá sơ bộ, năm 2022 toàn tỉnh còn 41.977 hộ nghèo, chiếm 30,58%, giảm 4,32% so với năm 2021, trở về gần với điểm xuất phát đầu nhiệm kỳ năm 2020. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm còn 44,61%, giảm 6,04% so với năm 2021. Xác định rõ thách thức và cơ hội sẽ giúp các địa bàn có giải pháp đúng và hành động hiệu quả trong giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu cao, cần giải pháp thiết thực

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta định hướng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Với mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân hàng năm từ 4%, huyện nghèo giảm từ 5,5% trở lên. Mục tiêu giai đoạn này do tỉnh đặt ra cao hơn so với giai đoạn trước.

Với mục tiêu chung đó, các địa bàn đều nỗ lực thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, các mô hình giảm nghèo, chương trình MTQG... Tại xã Na Tông, huyện Điện Biên, năm 2022 cũng ghi nhận kết quả giảm nghèo vượt mức đề ra. Trong năm, xã đã giảm được 9,2% hộ nghèo, từ 37,73% (năm 2021) còn 28,53%, thấp hơn so với số hộ nghèo năm 2020 khi chưa áp dụng chuẩn mới (32,69%).

Để làm được điều đó, ông Vì Văn Biến, Chủ tịch UBND xã Na Tông cho biết: Xã đã tích cực triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là tiếp tục duy trì tốt chương trình nuôi bò luân chuyển từ các nguồn hỗ trợ khác nhau và vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững; phối hợp thực hiện mô hình nâng cao năng suất chất lượng lúa giống nếp 97 và 1 mô hình nuôi cá; phối hợp mở 2 lớp dạy nghề trồng nấm và chăn nuôi cho người dân các bản; tuyên truyền, vận động người dân tham gia dự án liên kết phát triển mắc ca... Với tinh thần vươn lên, đã có 17 hộ trong các gia đình trên làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo...

Mặt bằng giảm nghèo chung năm 2022 của huyện Điện Biên không đạt tỷ lệ cao như Na Tông. Năm qua, huyện giảm được 2,33% hộ nghèo, từ 11,9% (năm 2021) xuống còn 9,57% năm 2022. Với thực tế ấy, ông Đặng Quốc Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Một trong những giải pháp được huyện chú trọng là phân bổ nguồn lực ngân sách và huy động, lồng ghép các nguồn lực hiệu quả. Theo đó phân bổ nguồn lực ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo theo quy định. Lồng ghép nguồn vốn với Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác. Tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người dân thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo...

Đối với địa bàn toàn tỉnh, ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Tỉnh ta định hướng các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân phụ trách công tác giảm nghèo từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đồng thời triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động...”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top