Khởi sắc Nậm Pồ

07:40 - Thứ Hai, 06/02/2023 Lượt xem: 4761 In bài viết

ĐBP - Chặng đường 10 năm xây dựng và trưởng thành, với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và sự đoàn kết, đồng lòng, tinh thần vượt khó vươn lên cộng đồng các dân tộc, diện mạo nông thôn mới (NTM) huyện Nậm Pồ đã có nhiều khởi sắc.

Diện mạo đô thị mới huyện Nậm Pồ ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, tạo đà cho kinh tế phát triển. Trong ảnh: Trung tâm huyện lỵ Nậm Pồ nhìn từ trên cao.

Ngày 23/6/2013 theo Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ, huyện Nậm Pồ được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính 2 huyện Mường Nhé và Mường Chà. Khi mới thành lập, tại các xã huyện Nậm Pồ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và những yếu tố vật chất bảo đảm cho sản xuất còn thiếu thốn, yếu kém, đời sống nhân dân nghèo nàn (tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 58,52%). Tổng sản lượng lương thực  chỉ đạt 14.625 tấn, lương thực bình quân 335kg/người/năm.

Nhận diện những khó khăn, bắt tay vào công cuộc xây dựng và kiến thiết, Đảng bộ huyện Nậm Pồ đã tập trung lãnh đạo xây dựng các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhằm định hướng, đề xuất các chủ trương và giải pháp trong công tác lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch theo giai đoạn và hàng năm của Trung ương, của tỉnh, huyện về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương

Để tạo đà cho bức tranh kinh tế phát triển, Đảng bộ, chính quyền huyện đã đề ra chỉ tiêu, lộ trình cụ thể, coi trọng việc thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình hay, những điển hình tiên tiến, thúc đẩy phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. Các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, khơi gợi ý chí, tinh thần đoàn kết của nhân dân, tập trung phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sinh kế mới; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế. Bên cạnh phát huy nội lực, trên cơ sở các nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện Nậm Pồ đã chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của một huyện miền núi biên giới. Giai đoạn 2015 - 2020, tổng kinh phí đầu tư phát triển ước đạt 2.293 tỷ đồng; huyện đã tập trung đầu tư xây dựng 220 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; năm 2022 kế hoạch vốn phân bổ là 272,287 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm giải ngân đạt trên 95%.

Kinh tế phát triển ổn định, đời sống nhân dân các dân tộc huyện Nậm Pồ ngày càng được cải thiện, nâng cao; nhiều mô hình sinh kế mới, bền vững được xây dựng từ “ý Đảng - lòng dân”. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng của huyện ước đạt 328,1 tỷ đồng; 100/121 bản, thuộc 15/15 xã và 15/15 cơ quan hành chính cấp xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 87,73%. Hoạt động thương mại, dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân dân, năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt 330,54 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 743,106 tỷ đồng.

Là huyện thuần nông, xác định kinh tế nông - lâm nghiệp giữ vai trò chủ đạo; vì thế huyện Nậm Pồ chú trọng kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, Nông nghiệp sạch; triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM). Năm 2013, tổng sản lượng lương thực của huyện là 14.625 tấn; đến năm 2022 tổng sản lượng lương thực có hạt tăng lên 23.362,68 tấn; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc luôn ổn định bình quân trên 4%/năm, gia cầm đạt gần 7%/năm, đóng góp trên 40% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Từ đó, góp phần nâng mức lương thực bình quân năm 2022 ước đạt 390,24kg/người; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 18,16 triệu đồng/người/năm. Trong tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế ước đạt 1.222,9 tỷ đồng thì ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản đóng góp ước đạt 564,26 tỷ đồng.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, bên cạnh sử dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; huyện Nậm Pồ đã tập trung chỉ đạo xây dựng NTM với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương; ưu tiên các phần việc có tính khả thi và tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Chỉ đạo các xã tập trung thực hiện các tiêu chí gắn liền với đời sống của người dân, như: Xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm; kết cấu hạ tầng, môi trường... từ đó tạo khí thế phấn khởi, đem lại niềm tin trong nhân dân về những chủ trương “đúng” và “trúng”. Hiện toàn huyện có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Chà Nưa); 3 xã cơ bản đạt chuẩn NTM... bình quân đạt 11,73 tiêu chí/xã.

Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: Để có được kết quả nổi bật, toàn diện về phát triển kinh tế, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, lực lượng cán bộ, đảng viên đã luôn gương mẫu đi đầu, gần dân, sát dân, lấy dân làm nền tảng; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, với tinh thần không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí “tự lực tự cường”, từng bước vượt qua khó khăn, “chung vai đấu cật” với cấp ủy, chính quyền các cấp hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; đảm bảo quốc phòng - an ninh nơi biên cương Nậm Pồ.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top