Phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở huyện Điện Biên

07:47 - Thứ Tư, 15/02/2023 Lượt xem: 4337 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, địa bàn huyện Điện Biên xảy ra một số loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; đặc biệt là bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò, gây thiệt hại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến tình hình phát triển chăn nuôi của huyện. Để hạn chế thấp nhất các ổ dịch cũng như kiểm soát các loại dịch bệnh lây lan, UBND huyện Điện Biên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã tăng cường công tác phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Người dân xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên rắc vôi tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên, thời gian qua trên địa bàn huyện xuất hiện một số loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, phân xanh phân trắng, Ecoli…. chủ yếu xảy ra trên địa bàn các xã vùng ngoài lòng chảo như Na Ư, Phu Luông, Pa Thơm, Mường Nhà, Mường Lói, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; các biện pháp chăn nuôi an toàn. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng, khử trùng tiêu độc môi trường, giám sát chủ động và xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan. Thực hiện giám sát dịch bệnh động vật đến tận thôn, bản, hộ chăn nuôi.

Ông Vừ A Chía, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật đến các xã nắm tình hình, tham mưu cho UBND xã về công tác phòng chống dịch bệnh; phối hợp tiêu hủy, lấy mẫu bệnh phẩm các loại gia súc, gia cầm bị chết nghi bệnh lở mồm long móng. Đồng thời phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã tổ chức kiểm tra, nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn người dân vệ sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng, cách ly con vật bị ốm nghi mắc các loại dịch bệnh. Song song với đó, Trung tâm thực hiện tốt công tác phối hợp, quản lý xuất nhập đàn vật nuôi ra vào địa bàn để hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh.

Đối với các hộ dân có vật nuôi nhiễm bệnh được khuyến cáo cần tuân thủ nghiêm quy trình phun khử trùng khu vực ra, vào chuồng trại, không tự ý chữa trị cho đàn gia súc. Tại các hộ chưa có gia súc nhiễm bệnh cần giữ gìn vệ sinh môi trường, chuẩn bị đầy đủ thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; tăng cường giám sát và thông báo kịp thời khi phát hiện vật nuôi của gia đình có biểu hiện nghi nhiễm bệnh. Đặc biệt, khi xuất hiện dịch bệnh cần thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch theo quy định. Tổ chức xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm, thủy sản bị nhiễm bệnh; tiến hành khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Nhờ chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện chỉ có 29 hộ chăn nuôi tại 10 thôn, bản xuất hiện các loại dịch bệnh với 49 con gia súc mắc bệnh (5 con trâu, bò chết). Sau khi phát hiện dịch bệnh, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đã kịp thời khoanh vùng, khống chế dịch, không để lây lan sang địa bàn khác. Qua đó, góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đảm bảo đàn vật nuôi trên địa bàn phát triển ổn định. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện đạt khoảng 1,7 triệu con.

Thời gian tới, huyện Điện Biên tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trong đó, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi, giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh mới; làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến người dân công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, khu vực chăn nuôi tập trung.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top