Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Nậm Pồ

07:39 - Thứ Sáu, 17/03/2023 Lượt xem: 4876 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, những năm qua huyện Nậm Pồ đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Từ đó, giúp người lao động nâng cao tay nghề, tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước giảm nghèo bền vững.

Người lao động bản Nậm Hài, xã Chà Cang tham gia học lớp sơ cấp xây dựng.

Huyện Nậm Pồ xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Hàng năm, huyện tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho người lao động, nhất là phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn. Nhiều hình thức tuyên truyền cụ thể, thiết thực được huyện triển khai như: Mở hội nghị, lồng ghép vào các buổi họp dân; kết hợp với hoạt động tuyển sinh mở lớp; truyền thông trên hệ thống loa phát thanh, trang thông tin điện tử của huyện, phát tờ rơi, treo băng rôn... Huyện thường xuyên tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp với thực tế của địa phương; đa dạng hóa hình thức, ngành nghề, phương pháp đào tạo nhằm nâng cao chất lượng. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, phương tiện phục vụ giảng dạy, học tập; nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề, chủ động ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới trong đào tạo nghề cho người lao động. Đối với những nghề Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện không đủ điều kiện đào tạo, đơn vị phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên và các cơ sở GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo.

Ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nậm Pồ cho biết: Chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã đạt nhiều kết quả tích cực, số lao động nông thôn tham gia học nghề hàng năm tương đối cao. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã mở 87 lớp đào tạo nghề cho hơn 2.860 lao động nông thôn, bao gồm 9 lớp nghề phi nông nghiệp và 78 lớp nghề nông nghiệp. Một số lớp nghề chủ yếu được mở là kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn; kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò; kỹ thuật chăn nuôi gà đồi vườn; kỹ thuật trồng và chế biến nấm; kỹ thuật xây dựng... Thông qua các lớp học nghề đã giúp người lao động nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi tập trung; biết vận dụng kiến thức đã học vào việc sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của gia đình để tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ; một số hộ đã xây dựng được mô hình chăn nuôi hiệu quả cho nguồn thu nhập ổn định. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề chiếm khoảng 80%, riêng lao động học nghề phi nông nghiệp gần như đều có việc làm sau đào tạo nhờ đi làm cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Gia đình ông Sùng A Chống, bản Nậm Nhừ 3, xã Nậm Nhừ tập trung phát triển chăn nuôi lợn. Tuy nhiên do thiếu kiến thức về chăm sóc, chăn nuôi nên đàn lợn thường mắc bệnh, chậm lớn hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì thế, năm 2021 ông đã quyết định tham gia học nghề kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn. Ông Chống mạnh dạn áp dụng kiến thức đã học vào việc chăn nuôi của gia đình, mở rộng quy mô chăn nuôi. Cùng với việc đầu tư xây dựng chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn cho đàn lợn, gia đình ông vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hàng ngày, chủ động mua thuốc điều trị khi phát hiện đàn lợn có triệu chứng mắc bệnh. Nhờ đó, đàn lợn của gia đình sinh trưởng và phát triển ổn định, mỗi năm gia đình ông nuôi 2 lứa, mỗi lứa khoảng 40 con lợn thịt cho thu nhập gần 90 triệu đồng/năm.

Tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã có sự chuyển biến tích cực. Nhận thức về học nghề, việc làm của người lao động đã có sự thay đổi rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo từng bước được nâng cao (hiện đạt khoảng 22%), năng suất và thu nhập của người lao động được nâng lên, nhiều lao động nông thôn đã tìm kiếm được việc làm. Qua đó, giúp họ cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn.

Bài, ảnh: Đức Thái
Bình luận

Tin khác

Back To Top