ĐBP - Đối với tỉnh ta, dù ở vùng thấp hay vùng cao, sân chơi cho trẻ em vẫn luôn thiếu. Hình ảnh những đứa trẻ chạy nhảy bên quốc lộ, trượt đất, tắm suối... đã quá quen thuộc và dễ dàng bắt gặp. Sân chơi an toàn, đa dạng luôn là niềm mong ước không chỉ của trẻ thơ mà của mọi người dân trên địa bàn.
Hàng năm, tỉnh ta đều ghi nhận nhiều trường hợp, vụ việc thương tâm về đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em. Lý do chủ quan hầu hết từ sự lơ là, bất cẩn, thiếu quan tâm, giám sát của gia đình. Khách quan do thiếu sân chơi, không gian vui chơi an toàn cho trẻ. Đặc biệt ở vùng cao, điểm vui chơi càng thiếu trầm trọng. Dịp hè, trẻ em chăn trâu, tắm suối, trèo cây, leo đồi... Với sự hồn nhiên, sáng tạo, các em biến mọi nơi thành sân chơi cùng niềm vui giản đơn. Thế nhưng những địa điểm ấy tiềm ẩn không ít nguy hiểm.
Trong cùng ngày 6/4, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 2 vụ việc đáng tiếc: 1 em nhỏ tại xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông tử vong do cháy lán nương; 1 cháu bé 10 tuổi tại xã Xuân Lao, Mường Ảng bỏ mạng vì đuối nước khi tắm suối.
Vụ việc xảy ra tại xã Háng Lìa, theo ông Vàng A Dia, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Quá đau lòng và đáng tiếc! Toàn xã có hơn 2.000 dân, bà con sống chủ yếu bằng canh tác trên nương và chăn nuôi. Do kinh tế khó khăn, nên các bậc cha mẹ thường tập trung mưu sinh mà ít quan tâm, chăm sóc cho con cái. Bọn trẻ, ngoài giờ đến trường thường không có điểm vui chơi nào, chỉ tự chơi tại nhà, quanh khu vực hoặc lên nương cùng bố mẹ. Đây cũng là lời cảnh báo thiết thực nhất đối với các hộ dân khác và cũng đặt ra yêu cầu tạo sân chơi an toàn cho trẻ”.
Trước thực trạng đó, những năm qua, các cấp, các ngành, đặc biệt là đoàn thanh niên các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động vui chơi, thu hút thanh thiếu nhi tham gia, hạn chế trò chơi nguy hiểm. Tại TX. Mường Lay, ngay khi vào hè, Thị đoàn đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, lồng ghép tuyên truyền, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục cho trẻ em trên địa bàn. Song song với đó chủ trì khai giảng lớp học bơi với chi phí rất thấp (được hỗ trợ kinh phí cho các bé tham gia), thu hút hàng chục thiếu nhi tại địa bàn đăng ký tham gia. “Mục đích phòng chống đuối nước và rèn luyện sức khỏe cho các em. Đặc biệt là tạo môi trường cho các em giao lưu và tránh xa điện thoại, các trò chơi không lành mạnh” - anh Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thị đoàn Mường Lay chia sẻ.
Tương tự tại huyện Nậm Pồ, anh Nguyễn Văn Thúy, Bí thư Huyện đoàn chia sẻ: Cơ sở vật chất trên địa bàn còn thiếu thốn, đặc biệt là các điểm vui chơi cho trẻ em. Vì vậy, các cơ sở đoàn quan tâm công tác tuyên truyền cho trẻ em và người dân biết về Luật Trẻ em, sơ cấp cứu tai nạn thương tích, phòng tránh tai nạn đuối nước... Cùng với đó, hưởng ứng hoạt động cao điểm chiến sĩ tình nguyện “Vì đàn em thân yêu”, trong tháng 6, các cơ sở đoàn trong toàn huyện đã đồng loạt tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi tại địa bàn dân cư, như: Trò chơi dân gian, văn hóa - văn nghệ...
Ngoài ra, các cấp bộ đoàn quan tâm hoàn thiện các công trình sân chơi cho trẻ em. Từ năm 2017 đến nay, đoàn thanh niên các cấp đã thực hiện và phối hợp thực hiện, đưa vào sử dụng gần 200 sân chơi cho thanh, thiếu nhi trong tỉnh. Mỗi công trình được xây dựng với nguồn kinh phí khoảng 15 - 20 triệu đồng, cùng công sức thiết kế, tái chế lốp xe, lắp đặt của lực lượng đoàn viên thanh niên địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng Đội tỉnh đã phối hợp xây dựng 5 điểm vui chơi cho thiếu nhi tại các huyện: Mường Ảng, Điện Biên, Tủa Chùa. Các huyện, thị, thành đoàn cũng có những công trình mang dấu ấn riêng. Tại TP. Điện Biên Phủ, Thành đoàn vừa trao tặng 1 công trình khu vui chơi cho thiếu nhi trị giá 15 triệu đồng tại điểm trường bản Hả, xã Pá Khoang. Anh Lò Văn Minh, Bí thứ Đoàn xã Pá Khoang cho biết: “Điểm trường này có 36 học sinh của 2 bản Co Muông và Hả. Điểm vui chơi được khánh thành là niềm vui rất lớn, là nơi vui chơi lý thú, an toàn trong dịp hè cho trẻ em các độ tuổi của 2 bản. Đây là công trình vui chơi thứ 2 tại xã Pá Khoang; mấy năm trước có một điểm tại bản Xôm nay đã cũ kỹ. Cả xã có khoảng 500 trẻ em, trong khi địa bàn nhiều sông suối ao hồ, rất ít điểm vui chơi, các khu dân cư cách xa nhau nên cũng hạn chế việc tổ chức sinh hoạt hè. Vì thế rất mong thời gian tới sẽ có thêm nhiều công trình để trẻ em Pá Khoang được thỏa thích vui chơi và đảm bảo được an toàn”.
Mặc dù chưa thể bao phủ sân chơi tới hầu khắp các địa bàn, nhưng các hoạt động kể trên đã tạo không gian, thu hút thiếu nhi tham gia, vui chơi an toàn, lành mạnh. Qua đó, góp phần bảo vệ trẻ em khỏi những mối nguy hiểm, tạo tuổi thơ ngập tràn niềm vui và đáng nhớ cho các em. Với ý nghĩa đó, mong rằng các công trình cho trẻ em tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng; để ước muốn sân chơi của trẻ em các địa bàn sẽ lần lượt trở thành hiện thực...