ĐBP - Tội phạm ma túy được xác định là tội phạm nguồn của các loại tội phạm. Do đó đấu tranh phòng, chống ma túy là trách nhiệm không của riêng ai.
Ma túy dễ dàng lôi kéo con người tới con đường phạm pháp, tù tội với bao hệ lụy, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu ai tò mò chỉ một lần “thử cho biết ” thì dễ sẽ trở thành nô lệ của chất độc chết người này.
56 tuổi nhưng ông Phan Anh T., phường Noong Bua, TP. Ðiện Biên Phủ đã phải thi hành án tù về tội mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy từ khi 25 tuổi, cái tuổi tràn đầy sức trẻ và cơ hội lao động chân chính. Thời điểm đó cô con gái duy nhất của ông T. mới đang chập chững biết đi, bi bô gọi bố, khi mãn hạn tù thì con gái đã thành thiếu nữ. Tại ngoại chưa được bao lâu thì ông T. lại “ngựa quen đường cũ”, một lần nữa ông quay vào trại giam về tội danh liên quan đến ma túy, bỏ lại phía sau người vợ và cô con gái đang độ tuổi trưởng thành. Lần vào tù thứ 3 cũng với tội danh tương tự, về hoàn lương thì con gái đã lấy chồng và ông có thêm 2 cháu ngoại mà chẳng giúp gì được cho con cháu.
Ông T. chia sẻ rằng, ngày đấy do bạn bè rủ rê nên ông dùng thử vì nghĩ thử một lần có sao đâu, sau đó ông lại thử, và tiếp tục sử dụng ma túy để rồi cuối cùng trở thành con nghiện lúc nào không biết. Vì nghiện chất ma túy nên ông T. tính “kinh doanh” nhỏ lẻ loại hàng cấm này để vừa có ma túy dùng, vừa có tiền tiêu. Giờ đây ở tuổi ngoài ngũ tuần, tóc đã bạc trắng với thân hình nhỏ thó ông T. ân hận và tiếc nuối thanh xuân. “Nếu ngày đó tôi không thử, hoặc đoạn tuyệt với ma túy ngay sau lỗi lầm lần đầu thì cuộc đời tôi nay đã khác!” - đó là sự hối hận muộn màng của ông Phan Anh T. sau 3 lần vào tù ra tội.
Hiện nay toàn tỉnh có có 6.493 người nghiện ma túy (chiếm 1,04% dân số toàn tỉnh), phần lớn những người này đang sinh sống tại cộng đồng, tạo ra nguồn cầu lớn về tiêu thụ ma túy tại địa bàn và cũng là nguồn phát sinh tội phạm hình sự, ma túy.
Nói về phòng chống ma túy, ông Chớ A Hồ, người có uy tín bản Sa Lông 1, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) khẳng định: “Cuộc chiến chống ma túy cực kỳ phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, của cả cộng đồng, chứ không đơn thuần là nhiệm vụ của cơ quan chức năng”.
Ông Hồ cho biết, trước đây bản Sa Lông có 14 người nghiện chất ma túy, với vai trò của mình ông đã phối hợp với các đoàn thể cơ sở thường xuyên khuyên nhủ, tuyên truyền về những tác hại của ma túy đối với sức khỏe con người. “Mưa dầm thấm lâu”, những người nghiện ma túy trong bản đã tự nguyện cai nghiện, đoạn tuyệt ma túy. Ðến nay, bản còn 4 người nghiện và không phát sinh người nghiện mới. “Bản tiếp tục vận động, giúp đỡ trường hợp còn lại cai nghiện để họ thoát khỏi đói nghèo và nô lệ con ma túy” - ông Hồ cho biết thêm.
Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về Luật Phòng, chống ma túy; công tác dân tộc cho người có uy tín. Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, vai trò của gia đình, cộng đồng dân cư được đề cao trong việc tự giác khai báo tình trạng nghiện ma túy, tự nguyện tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp; phối hợp tốt với các cơ sở tư vấn, dạy nghề để tạo việc làm tại gia đình, cộng đồng cho những người sau cai nghiện ma túy.
Ðặc biệt, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân phòng, chống tội phạm ma túy, toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì xã, phường, thị trấn lành mạnh và chuyển hóa mạnh về tệ nạn xã hội. Xây dựng và triển khai có hiệu quả các mô hình về phòng chống tệ nạn xã hội. Công an tỉnh xây dựng mô hình điểm “Xã biên giới sạch về ma túy” tại 8 xã thuộc các huyện: Ðiện Biên, Mường Chà, Mường Nhé và Nậm Pồ. Ngành Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tăng cường công tác xét xử lưu động đối với các vụ án ma túy; tuyên truyền và phát tờ rơi về những quy định pháp luật về phòng, chống ma túy. Quần chúng nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, phát hiện; cung cấp kịp thời thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy.