ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ có trên 400 thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng. Ðây là một trong hai địa phương có số người có công lớn nhất trong toàn tỉnh.
Công tác chăm lo, tri ân người có công của TP. Ðiện Biên Phủ những năm trở lại đây đều được thực hiện vẹn toàn, chu đáo. Các chế độ, chính sách theo quy định như: Chế độ trợ cấp thường xuyên, trợ cấp một lần, mai táng phí, chế độ bảo hiểm y tế, điều dưỡng; quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở... được thành phố thực hiện đúng, đủ, kịp thời. TP. Ðiện Biên Phủ cũng tổ chức lễ viếng, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; thăm hỏi, động viên các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng... Công tác tuyên truyền được TP. Ðiện Biên Phủ đẩy mạnh, tập trung giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ; nêu gương những thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã phấn đấu trở thành “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”, giáo dục con cháu trưởng thành trong lao động sản xuất và học tập…
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: “Chúng tôi luôn xác định công tác chăm lo người có công, gia đình chính sách không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa cử tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người đã hi sinh hay để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Cùng với những việc làm thường xuyên, hàng năm, thành phố đều xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ trên địa bàn với nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Trong đó, dành tặng mỗi cá nhân 1 suất quà bằng tiền mặt và lãnh đạo thành phố trực tiếp tới thăm một số gia đình người có công. Ngoài ra, các xã, phường trên địa bàn cũng trích quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa” đến thăm hỏi, động viên những gia đình trên địa bàn. Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, người có công trên địa bàn thành phố còn nhận được nhiều phần quà của các cá nhân, tổ chức hảo tâm. Như dịp tới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ðiện Biên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ có những phần quà dành tặng hơn 400 người có công và 65 cựu chiến binh là Chiến sĩ Ðiện Biên…”.
Không chỉ vào các dịp lễ, tết mà vào những ngày bình thường, các cấp, ngành, đơn vị vẫn dành tình cảm cho các gia đình người có công. “Khi có dịp về công tác cơ sở hoặc các chương trình tiếp xúc cử tri mà được gặp thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, chúng tôi đều thăm hỏi, động viên các bác. Ngoài ra cũng kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của các bác về những chế độ, chính sách hiện đang triển khai. Nhiều bác ở nơi khác mới chuyển về thành phố đều rất vui vì nhận được sự quan tâm sát sao, tình cảm của các cấp, ngành thành phố dành cho mình…” - bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết thêm.
Thương binh Phạm Văn Ngân, Chiến sĩ Ðiện Biên đang trú tại tổ 3, phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ mang trong mình vết thương từ gần 70 năm về trước. Dù đã gần 90 tuổi nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, hầu như có thể nhận biết và nhớ rất rõ những lần các cấp, ngành từ trung ương tới địa phương đến thăm hỏi, động viên gia đình. Ngay chính giữa phòng khách nhà cụ vẫn đang treo trang trọng bức ảnh kỷ niệm cố Chủ tịch nước Trần Ðại Quang và lãnh đạo Tỉnh ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo TP. Ðiện Biên Phủ đến thăm cụ năm xưa. Cụ Phạm Văn Ngân chia sẻ: “Nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành nhiều năm qua, tôi và nhiều đồng đội rất xúc động. Ðây là sự khích lệ rất lớn về mặt tinh thần để gia đình tôi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, giáo dục thế hệ con, cháu sau này tiếp bước, chấp hành nghiêm, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Thực hiện tốt chính sách với người có công không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thời gian tới, TP. Ðiện Biên Phủ tiếp tục chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền; kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi người có công với cách mạng…