ĐBP - Chủ động phòng, chống cháy nổ trong mùa nắng nóng, thời gian qua các cấp, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) trên địa bàn tỉnh. Từ đó góp phần ngăn ngừa, hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ xảy ra.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ cháy và 3 sự cố cháy nổ làm 1 người chết, 2 người bị thương (tăng 5 vụ, 1 người chết, 2 người bị thương so với cùng kỳ năm 2022), thiệt hại về tài sản khoảng 1,44 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân do sự cố chạm chập thiết bị điện dẫn đến cháy (5 vụ), bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa (3 vụ). Ðiển hình, vào 10 giờ 6 phút ngày 31/3, xe ô tô cứu thương mang biển kiểm soát 30F-872.62 đang dừng, đỗ tại khu vực tổ 10, phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) thì xảy ra cháy. Vụ cháy làm 2 người bị thương (anh Ðặng Xuân Hoàng là lái xe bị thương nhẹ; chị Lò Thị Dung là bệnh nhân đang chuẩn bị đưa đi Hà Nội để điều trị bị thương nặng). Ngay sau khi nhận tin báo cháy, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH đã xuất 1 xe chỉ huy, 2 xe chữa cháy cùng 25 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường triển khai các biện pháp chữa cháy, CNCH. Ðến 10 giờ 30 phút cùng ngày, đám cháy được khống chế và dập tắt hoàn toàn.
Qua điều tra, hầu hết các vụ cháy xảy ra có nguyên nhân chính là do nhận thức, ý thức của một số người dân, chủ hộ gia đình đối với công tác PCCC chưa cao; công tác tuyên truyền, phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại một số địa bàn vẫn còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu; năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC cơ sở còn thấp.
Trung tá Trần Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an tỉnh) cho biết: Lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH phối hợp với các phòng nghiệp vụ và công an các huyện, thị xã, thành phố vừa chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, vừa tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC. Ðể chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra, thời gian qua lực lượng PCCC & CNCH đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền 10.500 lượt trên hệ thống phát thanh cơ sở, 300 lượt tại các chợ, 430 lượt tuyên truyền lưu động trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên và TX. Mường Lay, 820 lượt phương tiện giao thông; 240 lượt trên màn hình LED tại nơi công cộng. Ðồng thời, phát hơn 2.000 tờ rơi, khuyến cáo PCCC; tổ chức 49 buổi tuyên truyền trực tiếp kiến thức, kỹ năng PCCC & CNCH, hướng dẫn các biện pháp thoát nạn, và phòng chống tai nạn, thương tích với 13.970 người tham gia.
Tại cơ sở, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH phối hợp với Công an cấp huyện tiến hành kiểm tra an toàn PCCC & CNCH đối với 327 lượt cơ sở, lập 327 biên bản kiểm tra. Qua đó, phát hiện 63 thiếu sót, xử lý vi phạm hành chính đối với 1 trường hợp vi phạm quy định an toàn PCCC, với tổng số tiền phạt là 4 triệu đồng. Qua kiểm tra phát hiện kịp thời các sơ hở, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ và hướng dẫn cơ sở kịp thời có biện pháp khắc phục. Ngoài ra, tại các xã tổ chức kiểm tra 3.250 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; kiểm tra, hướng dẫn 71.100 hộ gia đình, cá nhân ký cam kết bảo đảm an toàn về PCCC. Ðặc biệt là xây dựng 133 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC (đạt 100%), 80/23 mô hình điểm chữa cháy công cộng (đạt 347%) so với chỉ tiêu đăng ký đến ngày 30/6/2023.
Thời gian tới, do tốc độ đô thị hóa nhanh, công trình xây dựng và cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng tăng nhanh về số lượng và quy mô. Người dân sử dụng ngày càng nhiều phương tiện, thiết bị; nhiên liệu, năng lượng, khí đốt, hàng hóa, vật tư thiết bị là chất cháy và gây cháy. Trong khi đó, nhiều công trình xuống cấp, dân cư đông đúc khả năng xảy ra cháy là rất cao. Do đó, công tác PCCC & CNCH đặt ra nhiều thách thức lớn, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC & CNCH, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền về Luật PCCC; kiến thức PCCC & CNCH. Duy trì công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ; củng cố và xây dựng các phương án chữa cháy, CNCH; tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy trọng điểm. Ðồng thời kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC & CNCH theo chuyên đề, chuyên ngành, lĩnh vực trọng điểm như chợ, trung tâm thương mại, karaoke, cơ sở hóa chất, xăng dầu...