ĐBP - Năm 2023, huyện Tuần Giáo dự kiến đào tạo nghề trình độ sơ cấp và thường xuyên cho 1.000 lao động nông thôn. Các nghề được đào tạo đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu người dân và phù hợp với thực tế địa bàn.
Lớp sơ cấp nghề kỹ thuật chăn nuôi gà được mở tại bản Lập, thị trấn Tuần Giáo từ cuối tháng 6 vừa qua. Song song giữa kiến thức lý thuyết với thực hành, hơn 120 con gà do lớp nuôi từ khi bắt đầu chương trình học đã đạt trọng lượng hơn 1kg, lớn nhanh, không mắc bệnh, dịch. Một buổi học giữa tháng 8, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Tuần Giáo lên lớp về nội dung tiêm vắc xin phòng trị bệnh cho gà. Tại đây, sau khi truyền đạt kiến thức, giáo viên trực tiếp thực hành và hướng dẫn, theo sát tất cả các học viên thao tác, thực hiện tiêm trên đàn gà.
Chị Lò Thị Thu là một trong những học viên trẻ của lớp. Một vài năm gần đây, vợ chồng chị tăng dần đàn gia cầm, hiện nuôi hơn 100 con gà, ngan. Chị xác định đây là hướng phát triển kinh tế gia đình, vì thế chị chủ động đăng ký và tích cực tham gia lớp dạy mở tại bản. Chị Thu chia sẻ: “Trước đây tôi chưa học gì về chăn nuôi, chỉ thấy người thân, quen làm thế nào thì mình học theo. Ðược tham gia lớp đào tạo nghề, tôi đã biết thêm nhiều kiến thức cần thiết, tìm được nguyên nhân gà mắc bệnh, biết cách chăm sóc, phòng tránh và trị bệnh hiệu quả. Vừa học vừa áp dụng vào đàn gà nhà mình, tôi cũng tự tin hơn để tiếp tục nhân đàn, mở rộng quy mô chuồng trại”.
Còn tại chân đèo Pha Ðin, các học viên bản Hua Ca, xã Quài Tở vui mừng thu hoạch lứa nấm sò mới. Hơn 1 tháng qua, 35 học viên trong bản tham gia lớp kỹ thuật trồng, bảo quản và sơ chế nấm (nấm rơm và nấm sò). Sau một thời gian học, mô hình thực hành của lớp đã cho sản phẩm, thu hoạch nhiều lứa với chất lượng tốt. Anh Lường Văn Lâm, lớp trưởng cho biết: “Người dân Hua Ca đăng ký học trồng nấm vì diện tích ruộng của bản - nguồn rơm để trồng nấm khá nhiều, nhà nào cũng có. Nấm có thị trường tiêu thụ, nếu trồng được thì có hàng quán thu mua. Lần đầu tham gia lớp học, hầu hết bà con đều thấy trồng nấm dù cầu kỳ một chút nhưng không khó, có thể triển khai được”.
Cùng với 2 lớp nghề trên, từ đầu năm đến nay, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tuần Giáo đã và đang triển khai 29 lớp đào tạo nghề cho 790 học viên, thuộc 19/19 xã, thị trấn trên địa bàn. Các nghề được dạy bao gồm: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, gà, thủy cầm; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả, sản xuất rau an toàn, trồng và khai thác rừng, trồng - quản lý dịch hại trên cây ngô...
Ðể triển khai các lớp nghề hiệu quả, ở mỗi địa bàn, giáo viên Trung tâm sẽ có cách giảng dạy phù hợp với nhận thức người dân, đặc điểm xã, bản. Cô Tòng Thị Dân là giáo viên Trung tâm, năm nay đã tham gia giảng dạy 2 lớp về nuôi lợn (bản đồng bào dân tộc Mông, xã Mùn Chung) và nuôi gà (bản đồng bào dân tộc Thái, thị trấn Tuần Giáo). Cô Dân chia sẻ: Chúng tôi vừa dạy lý thuyết vừa thực hành, “cầm tay chỉ việc” cho học viên để họ hiểu rõ và thuần thục nghề. Tuy nhiên ở các bản vùng thấp, trình độ dân trí cao hơn thì chúng tôi thường tăng cường kiến thức sâu về nghề. Còn ở các bản vùng cao, nhiều học viên không thông thạo tiếng phổ thông thì cụ thể hóa lý thuyết bằng hành động và thực hành để người dân hiểu những kiến thức cốt lõi, cần thiết và vận dụng tốt. Mỗi lớp do 2 giáo viên đảm nhiệm, trong đó có giáo viên nói được tiếng bản địa để giao tiếp, truyền đạt tốt. Cô Dân cũng đánh giá, hầu hết học viên tham gia nghiêm túc, phối hợp tích cực trong quá trình dạy và học.
Kế hoạch năm 2023, huyện Tuần Giáo có 1.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có 9 lớp đào tạo trình độ sơ cấp và 21 lớp đào tạo thường xuyên (dưới 3 tháng). Mặc dù các lớp dạy nghề đang diễn ra suôn sẻ nhưng thực tế cũng có không ít khó khăn trong quá trình triển khai. Ðó là nhiều người dân đi làm ăn xa dẫn đến nhu cầu học nghề ít; công tác rà soát đối tượng học nghề đôi khi vướng do liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị; giáo viên Trung tâm ít, phải hợp đồng với cán bộ, giáo viên trong và ngoài địa bàn...
Khắc phục những khó khăn ấy, thời gian còn lại năm 2023, Tuần Giáo tiếp tục hoàn thành tổ chức các lớp hiện tại và mở 6 lớp còn lại theo kế hoạch đề ra. Ngoài các nghề trên, gắn với định hướng phát triển kinh tế trên địa bàn, Trung tâm dự kiến mở lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca. Ông Vũ Ðức Bình, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện cho biết: “Huyện đang tích cực triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở rộng diện tích trồng mắc ca ở tất cả các xã với diện tích lớn. Ðây là cây trồng mới với nhiều địa bàn, vì thế thời gian tới, Trung tâm sẽ mở các lớp dạy nghề trồng và chăm sóc mắc ca, góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, giải quyết việc phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển của địa phương”.