Cơ hội việc làm cho thanh niên: Linh hoạt để bắt kịp xu thế

08:51 - Chủ Nhật, 27/08/2023 Lượt xem: 5343 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học không tìm được việc làm đang trở thành vấn đề đáng bàn, tạo áp lực lớn đối bản thân, gia đình và toàn xã hội. Trước thực tế đó, nhiều học sinh, sinh viên đã thay đổi tư duy, nhận thức tìm đến các ngành nghề đào tạo phù hợp, tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Học viên thực hành nghề sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên.

Tốt nghiệp Trường Ðại học Tây Bắc, chuyên ngành Sư phạm mầm non cách đây 2 năm, nhưng đến nay em Lường Hoài Thu, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) vẫn chưa có việc làm ổn định. Thu cho biết, gia đình có truyền thống công tác trong ngành giáo dục và bản thân em cũng mong muốn được làm giáo viên. Thế nhưng sau 3 năm đèn sách rồi tốt nghiệp nhưng cũng chưa xin được việc. Ðể ổn định cuộc sống, Thu quyết định theo học khóa đào tạo cắt tóc ngắn hạn với mong muốn trở về địa phương mở dịch vụ cắt tóc, gội đầu để có thêm thu nhập. “Em không biết đây có phải là công việc gắn bó với mình suốt đời hay không nhưng thực sự cũng nhiều lần em bế tắc trong khâu chọn ngành, nghề vì không xin được việc làm. Chỉ mong công việc mới này sẽ giúp em có thêm động lực và thu nhập ổn định” - Lường Hoài Thu bộc bạch.

Tốt nghiệp nhưng không tìm được công việc theo ngành nghề đã chọn như trường hợp của Lường Hoài Thu không phải hiếm, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Thời gian qua, không ít thanh niên sau khi học xong THPT hoặc THCS đã chuyển hướng lựa chọn học làm “thợ”. Còn đối với các cơ sở giáo dục, nắm bắt xu thế và nhu cầu của thị trường, các đơn vị đã và đang chủ động thực hiện phương châm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường. Ðơn cử như Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên, ngoài đào tạo các ngành, nghề hệ cao đẳng, trung cấp, Trường còn chú trọng đào tạo hệ sơ cấp. Hiện nay đơn vị đặc biệt quan tâm thực hiện mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tăng cường trao đổi hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Ðồng thời, phát huy hiệu quả mô hình đào tạo gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở tất cả ngành nghề và tổ chức cho giáo viên, học sinh sinh viên đi thực hành, thực tế sản xuất tại các nhà máy, công trình, công xưởng trong quá trình đào tạo, đảm bảo đầu ra qua sự cam kết tuyển dụng của doanh nghiệp sau đào tạo. Chính vì thế, số lượng học sinh sau tốt nghiệp bậc học phổ thông đến học tập tại đơn vị khá đông, từ đó mở ra cơ hội việc làm lớn cho các em sau khi ra trường.

Với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên, mục tiêu đào tạo phải “đi tắt đón đầu”, đơn vị đã và đang chuyển trọng tâm từ đào tạo dài hạn sang cả trung hạn, ngắn hạn trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế của học viên cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðặc biệt, để khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên, nhà trường đã liên kết mở thêm một số ngành nghề mới như: Bán hàng trong siêu thị trình độ cao đẳng, trung cấp; chăn nuôi - thú y trình độ cao đẳng; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn trình độ trung cấp. Ngoài ra, Trường cũng mở một số nghề ở trình độ sơ cấp theo thị hiếu như: Trang điểm thẩm mỹ, kỹ thuật vẽ móng; kỹ thuật tạo mẫu tóc, pha chế đồ uống... Qua khảo sát, các ngành nghề này được đông đảo học viên đón nhận và đăng ký tham gia khóa đào tạo

Ông Trần Bá Uẩn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kĩ thuật Ðiện Biên cho biết: Bên cạnh việc mở một số ngành, nghề ngắn hạn, hàng năm, trường vẫn duy trì các ngành nghề mà đơn vị đã tổ chức liên kết đào tạo trước đó. Tùy vào nhu cầu của học viên và chỉ tiêu của các trường đại học mà trường liên kết, trường tổ chức tuyển sinh theo đơn đặt hàng của các đơn vị. Không những vậy, đơn vị còn tích cực liên hệ, ký kết chương trình hợp tác đào tạo theo nhu cầu với nhiều doanh nghiệp để tuyển dụng học sinh, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp. Ðến nay, ngoài một số doanh nghiệp tại Ðiện Biên, trường đã ký kết với nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Phòng, sẵn sàng tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực tập và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Trên cơ sở đó, khi tư vấn tuyển sinh đến học sinh và phụ huynh học sinh, Trường có thể cung cấp thông tin về vị trí, cơ hội việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp các chương trình, ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.

Có thể nói, việc thay đổi tư duy nghề nghiệp hiện nay đang trở thành xu thế tất yếu của xã hội. Ðây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trên mà Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ðiện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra. Theo mục tiêu của Nghị quyết, tính ta đang phấn đấu đến năm 2025, mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 8.300 lao động, tạo việc làm mới cho 8.700 lao động/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế từ 65% -70%...

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top