10 lưu ý tự cứu mình khi gặp hỏa hoạn

10:30 - Thứ Năm, 14/09/2023 Lượt xem: 4916 In bài viết

Tiếp tục đưa ra những kỹ năng sống khi gặp hỏa hoạn, cơ quan công an khuyến cáo, nắm được các kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn sẽ giúp bạn bớt hoảng loạn mà bình tĩnh hơn để ứng phó với các tình huống, đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình.

1. Cần giữ bình tĩnh: Mất bình tĩnh và hoảng loạn khi thấy hỏa hoạn sẽ dễ dẫn đến việc dập lửa sai cách hoặc chạy chen lấn giẫm lên nhau, bị ngạt khói... Thay vào đó, khi phát hiện có đám cháy, bạn cần bình tĩnh xem xét nguồn cháy đang ở khu vực nào, tìm hiểu kiến trúc của toà nhà và vạch ra đường thoát hiểm tối ưu khi xảy ra sự cố.

2. Kêu cứu, báo động cứu hộ: Để thu hút sự chú ý từ mọi người, hãy dùng khăn, áo, mũ màu sắc nổi bật để vừa hô cứu vừa ra hiệu. Hãy tìm cửa sổ lớn và ban công để ra tín hiệu kêu cứu. Đồng thời báo động cho mọi người biết như hô lớn, phát loa, đánh kẻng kêu báo cháy… Nếu đám cháy lớn và nguy hiểm, hãy khẩn trương gọi đội cứu hộ chữa cháy theo số điện thoại 114.

3: Không để đám cháy lan rộng: Biết cách cô lập và dập tắt đám cháy sẽ làm cho việc cứu hộ và phòng ngừa thiệt hại cho tài sản, con người nhanh và hiệu quả hơn. Ngay khi gặp sự cố, cần nhanh chóng thực hiện các việc sau:

- Ngắt cầu dao điện, aptomat

- Sơ tán mọi người ra khỏi đám cháy

- Sử dụng thiết bị dập lửa như bình chữa cháy bột, bình chữa cháy khí CO2, thảm thủy tinh dập lửa…

- Dịch chuyển các vật dụng dễ bắt lửa ra khỏi khu vực có đám cháy.

Một lưu ý quan trọng là, trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập tắt, đừng cố tìm cách dập lửa, mà hãy tìm cách để bản thân và người khác thoát ra nhanh nhất có thể.

4. Xác định lối thoát hiểm an toàn: Khi có hỏa hoạn xảy ra, không được tiếc tài sản mà cần nhớ mạng sống mới là vô giá. Do đó, bạn cần nhanh chóng xác định lối thoát hiểm ở khu vực đang ở và tìm lối đi càng nhanh càng tốt.

Trường hợp đám cháy và luồng khói từ trên tầng cao, hoặc ngay trong tầng, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy xuống các tầng dưới. Tuyệt đối không sử dụng thang máy để di chuyển khi có hỏa hoạn.

Trường hợp lửa bắt nguồn từ các tầng dưới, không thể chạy xuống được thì hãy chạy ngược lên trên mái hoặc ra ban công và ra tín hiệu cho cứu hộ và người dân xung quanh biết. Tuyệt đối không chui vào phòng và đóng chặt cửa vì khói lan rất nhanh, hít nhiều khói sẽ khiến hôn mê và tử vong.

5. Phòng nhiễm ngạt khói độc: Phần lớn những trường hợp tử vong trong hỏa hoạn là do bị ngạt khói nên cần nhất khi gặp sự cố là tránh các nguy cơ gây ngạt khói. Gặp trường hợp như vậy, cần lấy khăn hoặc vải thấm nước, có thể tận dụng nước uống có sẵn gần đấy để che kín miệng và mũi. Chiếc khăn sẽ trở thành chiếc mặt nạ phòng độc, giúp bạn lọc không khí và thở dễ dàng hơn. Cố gắng tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình gas, tủ lạnh, máy lạnh…

Cần di chuyển bằng cách bò sát mặt đất và men bờ tường để tìm lối thoát nạn một cách nhanh nhất. Bò sát mặt đất cũng sẽ giúp có nhiều không khí để thở hơn, tránh bị ngạt thở do khói.

6. Dập lửa: Trong trường hợp quần áo bị cháy, hãy dừng di chuyển, nằm xuống và trở mình liên tục cho đến khi ngọn lửa được dập tắt, đồng thời che mặt càng nhiều càng tốt. Tuyệt đối không được chạy vì gió sẽ làm lửa cháy và lan ra nhiều hơn. Cần chú ý khi nhảy vào bể bơi, hồ nước trong khu vực cháy vì rất có thể lửa đã làm nóng nước, có thể gây bỏng toàn thân khi nhảy vào.

7. Mở cửa: Trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm, đừng mở - mặt kia của cánh cửa đang cháy. Dùng mu bàn tay để thử, không dùng lòng bàn tay vì lòng bàn tay bị bỏng sẽ cản trở việc thoát thân của bạn khi bạn bò hay xuống thang cứu hỏa.

Khi mở cửa, nếu thấy lửa bùng lên, hay có khói xông vào phòng, hãy đóng cửa thật nhanh và đảm bảo chắc chắn rằng nó đã được đóng chặt. Cũng có thể thoát ra từ cửa sổ, ban công hay nhảy qua mái nhà bên cạnh để tránh tạm thời và chờ đội cứu hộ đến. Tuyệt đối không trốn trong nhà vệ sinh vì đây là nơi dễ bị ngạt thở do không gian nhỏ hẹp không có oxy.

8. Chạy thoát hiểm: Tránh bị xô ngã bởi dòng người đang náo loạn. Tuyệt đối không sử dụng thang máy để di chuyển khi có hỏa hoạn. Khi ngoài cửa căn hộ đã bị lửa bao vây không thể thoát ra ngoài, cần nhanh chóng thoát ra chỗ thoáng như ban công, sân thượng; dùng các thiết bị chuyên dụng để thoát hiểm. Nếu không thể mở cửa sổ, hãy dùng một vật nặng để đập vỡ nó ở góc cuối, khi chạm vào các mép sắc, cần dùng vải, khăn mặt hay chăn.

Tuyệt đối không nhảy từ cửa sổ, ban công trên cao xuống. Chỉ trèo ra ngoài cửa sổ và nhảy xuống khi thực sự an toàn hoặc có người trợ giúp bên ngoài. Nếu bạn ở tầng trệt, ra ngoài bằng cửa sổ: Ném chăn, gối, đệm xuống đất ở bên ngoài để đỡ cơ thể. Nếu đang chạy thoát cùng người khác, hãy đi cùng nhau nếu có thể.

9. Bảo vệ bản thân khi không thể thoát ra ngoài: Hãy chọn một phòng có cửa sổ để đội cứu hộ tiện giúp đỡ ra hiệu lệnh cho bạn. Ngăn khói tràn vào phòng bằng cách dùng áo, khăn mền nhúng nước chèn kín khe hở của cửa không để khói độc tràn vào, dùng mảnh quần áo hay khăn mặt nhúng ướt đặt nó lên miệng, mũi. Không núp dưới gầm giường khi có hỏa hoạn bởi việc này sẽ làm đội cứu hộ khó tìm thấy bạn.

10: Hợp tác với đội cứu hộ: Khi xảy ra hỏa hoạn, bạn phải bình tĩnh, chú ý làm theo hướng dẫn của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và đội ngũ cứu hộ. Nếu xảy ra cháy, nổ tại những nơi tập trung đông người như trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim…, việc đầu tiên phải thật bình tĩnh tìm cách hoặc tuân theo sự chỉ dẫn của nhân viên để thoát ra khỏi tòa nhà qua các lối thoát nạn thông thường như cầu thang bộ, nơi có đèn Exit (Lối ra). Đây là những lối thoát nạn an toàn nhất.

Để công tác PCCC có hiệu quả, quan trọng nhất là mỗi gia đình nên tự trang bị phương tiện chữa cháy, bình chữa cháy để phòng khi có sự cố xảy ra. Các thiết bị như: Bình chữa cháy, béc phun nước chữa cháy cảm biến, chăn thủy tinh dập lửa, thang dây thoát hiểm, dây đai thoát hiểm và mặt nạ phòng khói độc... rất cần thiết để bảo vệ tính mạng khi xảy ra hỏa hoạn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top