Ðào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn

09:22 - Thứ Ba, 21/11/2023 Lượt xem: 4843 In bài viết

ĐBP - Ðào tạo nghề là yếu tố then chốt để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Vì vậy, những năm qua, tỉnh Ðiện Biên đã chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động theo hướng đổi mới gắn với nhu cầu thực tiễn. Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp nhu cầu hiện nay, từ đó giúp người lao động sau khi học nghề dễ tìm việc làm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lao động nông thôn huyện Ðiện Biên tham gia lớp đào tạo nghề trồng nấm. Ảnh: C.T.V

Ðể nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh mở các lớp tư vấn, dạy nghề, giải quyết việc làm gắn với nhu cầu thiết thực của người dân, địa phương. Ðồng thời, điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo. Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng thuộc người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nội dung học lý thuyết đi đôi với hướng dẫn thực hành của giảng viên tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn, giúp học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức.

Các lớp đào tạo nghề luôn gắn với nhu cầu học nghề của lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 11 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 385 lao động nông thôn tại các xã trên địa bàn huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ. Với các ngành nghề được đào tạo như: Kỹ thuật trồng và bảo quản, sơ chế biến nấm; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả; kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây ngô; kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây lúa; kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Ðến nay, các lớp đào tạo nghề cơ bản phát huy hiệu quả, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề cao.

Ðiển hình, từ tháng 6 đến tháng 8/2023, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 5 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ðiện Biên. Trong đó, 2 lớp kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả tại xã Hua Thanh và Noong Hẹt; 2 lớp kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây ngô tại xã Na Ư và xã Thanh Luông; 1 lớp kỹ thuật trồng, bảo quản và sơ chế nấm tại bản Na Hai, xã Pom Lót. Sau thời gian 2 tháng tham gia các lớp đào tạo nghề đã giúp cho lao động tại địa phương được chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng vào thực tiễn, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Góp phần phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.

Chị Lò Thị Tính, bản Na Hai, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) cho biết: Tham gia lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng, bảo quản và sơ chế nấm, tôi đã được học lý thuyết kết hợp thực hành từ đơn giản đến phức tạp, như nhân giống nấm; trồng nấm rơm, nấm sò. Nắm được các kỹ năng về lựa chọn, vệ sinh, sử dụng các thiết bị, dụng cụ, vật tư, nguyên liệu và nuôi trồng nấm đúng yêu cầu kỹ thuật. Sau khi học nghề, tôi đã sản xuất được những bịch nấm có chất lượng, bảo đảm vệ sinh và có năng suất cao.

Nhờ tập trung công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tính đến tháng 9/2023, các cơ sở đào tạo tuyển mới và đào tạo cho 8.315 người (đạt 96,69% kế hoạch). Toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 8.000 lao động. Trong đó cung ứng lao động cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh 3.048 lao động; đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 218 lao động; thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác và tự tạo việc làm là 2.804 lao động… Chia theo nhóm ngành kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 2.669 lao động; công nghiệp - xây dựng 3.516 lao động; dịch vụ - thương mại 1.667 lao động. Thông qua các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động đã tìm kiếm được việc làm tại các doanh nghiệp, công ty ngoài tỉnh; nhiều học viên đã tự mở cửa hàng hay đầu tư trang trại trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 17.624 lượt lao động nông thôn; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đến năm 2025 đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt từ 20% trở lên. Ðến năm 2025 có ít nhất 70% lao động trong các làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề; có khoảng 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo tối thiểu đạt 80%.

Thành Ðạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top