Thiết thực đồng hành, chăm lo, bảo vệ lao động nữ

09:09 - Thứ Ba, 26/12/2023 Lượt xem: 4089 In bài viết

Là ngành có số lao động nữ chiếm trên 67% tổng số lao động toàn ngành, 5 năm qua, Công đoàn Dệt may Việt Nam luôn xác định chăm lo, bảo vệ quyền lợi và đồng hành cùng lao động nữ trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Cụ thể, Công đoàn Dệt may Việt Nam luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách, kiến thức liên quan đến nữ, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em, sức khỏe sinh sản bằng nhiều hình thức, trong đó ưu tiên mạng xã hội và hình ảnh trực quan sinh động, dễ gần, dễ hiểu; tích cực tham gia xây dựng chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ như góp ý bổ sung sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.

Công đoàn Dệt may Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình “Xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, vì sự tiến bộ của lao động nữ” - 1 trong 5 chương trình công tác lớn nhiệm kỳ 2018-2023 với nhiều chỉ tiêu và giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền lao động nữ.

Đáng chú ý, Công đoàn ngành đã ký kết Thỏa ước Lao động tập thể cấp ngành với nhiều nội dung có lợi cho lao động nữ; thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh, đồng hành, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời, giúp chị em giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Nhiệm kỳ 2018-2023 vừa qua, toàn hệ thống đã trích gần 67,5 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 594.000 lượt lao động nữ.

Không dừng lại ở các hoạt động bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng chú trọng tạo môi trường học tập và thi đua lành mạnh, tích cực để nữ công nhân, viên chức, lao động phấn đấu, phát triển bản thân. Nhiệm kỳ qua, có 232.000 lượt lao động nữ được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, gần 1.500 người được đề bạt, thăng tiến trong công việc.

Đặc biệt, Công đoàn Dệt may Việt Nam là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong hệ thống Công đoàn toàn quốc tính đến thời điểm này có giải thưởng riêng cho lao động nữ mang tên bà tổ nghề may Nguyễn Thị Sen, dành tặng những lao động nữ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành, tạo hiệu ứng thi đua sôi nổi. Qua 5 lần xét thưởng, đã có 50 lao động nữ tiêu biểu được tôn vinh.

Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, tiếp tục triển khai các hoạt động cho nhiệm kỳ mới, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã xây dựng Chương trình: “Đồng hành cùng lao động nữ trong phát huy năng lực bản thân và xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” và đề ra các giải pháp cụ thể cho hoạt động cả nhiệm kỳ để tiếp tục chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho lao động nữ.

Theo đó, trong nhiệm kỳ mới, Công đoàn ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu đặc thù, điều kiện làm việc của ngành để tham gia xây dựng chế độ chính sách nữ; tăng cường các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng, tay nghề, năng lực thích ứng cho lao động nữ để có được việc làm bền vững.

Công đoàn ngành sẽ cập nhật, đổi mới các nội dung, hình thức thi đua trong nữ công nhân, viên chức, lao động; lan tỏa hình ảnh, giá trị và nguồn cảm hứng của “Giải thưởng Nguyễn Thị Sen” trong và ngoài hệ thống; triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, văn hóa, thể thao, các cuộc thi, các chương trình... lôi cuốn sự vào cuộc của nam giới, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, tạo sự đồng cảm và chia sẻ của các đồng nghiệp nam cũng như những người đàn ông trong mỗi gia đình.

Ngoài ra, Công đoàn ngành cũng phát triển các câu lạc bộ sở thích, các thiết chế cơ sở gắn với nhu cầu nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt, ổn định cuộc sống cho người lao động…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top