Quốc hội chốt thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

14:50 - Thứ Năm, 18/01/2024 Lượt xem: 3445 In bài viết

Sáng 18/1, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, theo đó, chính thức thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh: DUY LINH)

Sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 455/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,29 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp

Nội dung cơ bản của nghị quyết tập trung vào Điều 4, quy định cụ thể 8 cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025 (khoản 7, Điều 4), nghị quyết quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho huyện được lựa chọn thí điểm.

Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Việc quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm của các huyện thực hiện cơ chế thí điểm được thực hiện theo dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm đã được Hội đồng nhân dân huyện điều chỉnh theo quy định tại điểm b, khoản 7.

Cấp huyện được phân bổ dự toán chi thường xuyên của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh: DUY LINH)

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm (khoản 1, Điều 4), có ý kiến đề nghị tại điểm c, nêu rõ “trong trường hợp cần thiết Hội đồng nhân dân tỉnh phân cấp cho cấp huyện…”, cần cụ thể để thực hiện.

Có ý kiến cho rằng, Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ giao tổng vốn cho cấp huyện, việc phân bổ chi tiết các dự án, tiểu dự án thành phần nên giao cho cấp huyện để chủ động, linh hoạt điều chỉnh các dự án, tiểu dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến của đại biểu là xác đáng và tiếp thu tại điểm c như sau: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, hoặc phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần”.

Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm (khoản 2, Điều 4), tại điểm c, có ý kiến cho rằng, cần phân cấp cho địa phương được quyền điều chỉnh dự toán, kế hoạch giữa các chương trình và giữa vốn sự nghiệp với vốn đầu tư nhưng phải có nguyên tắc để đảm bảo các mục tiêu chung của chương trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quan điểm của Chính phủ, việc cho phép điều chỉnh cả 3 chương trình sẽ phá vỡ cơ cấu các chương trình, phát sinh thêm nhiều thủ tục, khó đạt mục tiêu và có thể dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong khi thời gian thực hiện chỉ còn 2 năm, do vậy xin được giữ như nội dung dự thảo nghị quyết.

Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất (khoản 3), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định Ủy ban nhân dân được quyền điều chỉnh các quy định do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành, như vậy chưa đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến tham gia là phù hợp và tiếp thu, điều chỉnh theo hướng, Quốc hội cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo với Thường trực Hội đồng nhân dân cho phép điều chỉnh, báo cáo lại Hội đồng nhân dân ở kỳ họp gần nhất để tạo sự linh hoạt, kịp thời cho địa phương.

Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (khoản 5), đa số ý kiến thống nhất không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu, đồng thời đề nghị cần làm rõ cơ sở xác định mức dưới 500 triệu và cần phải có nguyên tắc, cơ chế quản lý đối với các tài sản có giá trị từ 500 triệu trở lên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, cơ sở để đề xuất mức dưới 500 triệu không áp dụng quy định quản lý tài sản công đã được Chính phủ giải trình làm rõ trong Tờ trình số 13/TTr-CP ngày 12/01/2024. Việc xác định dựa trên cơ sở tham khảo mức giá trị tài sản theo quy định về xác định giá trị tài sản, vật tư, vật liệu trong quá trình tổ chức thanh lý tài sản công quy định tại Điều 31 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 và quy định về giá trị tài sản lớn của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Đối với việc quản lý, hỗ trợ đối với tài sản có giá trị từ 500 triệu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, sửa đổi, bổ sung vào điểm b của nghị quyết: “Đối với tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, có vốn hỗ trợ tối đa không quá 20% giá trị tài sản và không vượt quá tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo từng dự án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Về hiệu lực thi hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nghị quyết có hiệu lực từ ngày ban hành cho đến khi Quốc hội có quy định khác là phù hợp trong khi thực hiện thí điểm.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top