Giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh

09:31 - Thứ Hai, 22/01/2024 Lượt xem: 4179 In bài viết

Bảo hiểm xã hội là trụ cột của hệ thống an sinh, nên việc duy trì và phát triển bền vững số người tham gia chính sách là vấn đề then chốt nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Trước tình trạng số người rút bảo hiểm một lần, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng tăng, năm 2024, các cơ quan chức năng tiếp tục kiên trì triển khai nhiều giải pháp để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh.

Tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động có cơ hội nhận lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động.

Chưa phát triển bền vững

Số người tham gia bảo hiểm xã hội theo diện bắt buộc và tự nguyện liên tục duy trì đà tăng. Lũy kế đến thời điểm cuối năm 2023, hệ thống bảo hiểm xã hội có tên của hơn 18,26 triệu người lao động, bằng 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,17% so với thời điểm cuối năm trước đó. “Đáng chú ý, số người tham gia tăng nhanh với nhóm lao động làm công việc tự do, mở ra cơ hội “vàng” cho hệ thống an sinh phát triển. Dẫn chứng là, cả nước hiện có 1,83 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bằng hơn 10% tổng số người tham gia chính sách và bằng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi, về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu được giao”, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đỗ Ngọc Thọ thông tin.

Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận nhưng hệ thống bảo hiểm xã hội vẫn chưa phát triển bền vững. Lý do là năm vừa qua, các cơ quan chức năng giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hơn 1,1 triệu lượt người, tăng 23,73% so với năm 2022, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cần quan tâm, sau khi hưởng chế độ một lần, số đông người lao động không trở lại hệ thống.

Đáng nói, nhiều trường hợp sau khi nhận chế độ một lần, muốn tham gia lại cũng không còn cơ hội. Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, địa bàn dân cư số 4, phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) cho hay: “Tôi đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần vào năm 2018 khi 48 tuổi, sau 14 năm tham gia chính sách. Năm 2022, tôi chủ động đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội trở lại, nhưng phải ngậm ngùi tiếc nuối vì đã quá tuổi”.

Hệ thống bảo hiểm xã hội phát triển chưa bền vững còn được nhận diện thông qua số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng (năm 2023 có hơn 1,05 triệu người hưởng, tăng gần 80.000 người so với năm 2022), vì đối tượng hưởng là người lao động đang tham gia bảo hiểm bắt buộc bị mất việc làm. Trong hoàn cảnh này, nếu không sớm có việc làm trở lại, nhiều người đã tìm đến phương án rút bảo hiểm xã hội một lần.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Theo dự báo, thị trường lao động, việc làm trong năm 2024 chưa thể phát triển đột phá, đồng nghĩa việc giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh vẫn gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, với vai trò quản lý về lao động, việc làm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ trung ương đến địa phương cùng cơ quan liên quan đang nỗ lực tạo ra nhiều việc làm mới, giúp những người bị ảnh hưởng về việc làm sớm trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.

Chẳng hạn, tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam cho biết, năm 2024, thành phố đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho ít nhất 165.000 lao động. Để cung - cầu về lao động gặp nhau, thành phố tổ chức tối thiểu 230 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, người lao động. Đối tượng ưu tiên giới thiệu, tuyển dụng tại các phiên giao dịch là lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, thành phố quan tâm duy trì việc làm cho nhóm lao động có nguy cơ mất việc, qua đó tăng hiệu quả phòng ngừa thất nghiệp, giúp người lao động không phải rời hệ thống an sinh.

Dưới góc độ thực hiện chính sách, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thông tin, ngành đặc biệt chú trọng bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp, để mỗi người thấy rõ hơn tính ưu việt của chính sách, chủ động khắc phục khó khăn, ở lại hệ thống lâu dài. Mặt khác, cơ quan bảo hiểm xã hội tham mưu, đề xuất các cấp ủy, chính quyền có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lao động tham gia bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng về việc làm. Với nhóm lao động hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, mà chưa có việc làm mới theo chế độ hợp đồng lao động, các bên tư vấn cho họ nên chuyển hình thức tham gia bảo hiểm xã hội từ bắt buộc sang tự nguyện hoặc bảo lưu thời gian đóng, không nên rút bảo hiểm xã hội một lần. Để khắc phục những bất cập từ hệ thống chính sách, năm 2024, các cơ quan chức năng tiếp tục lắng nghe ý kiến nhiều chiều để hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo dự thảo, quy định về bảo hiểm xã hội một lần có nhiều phương án linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo cơ chế hấp dẫn cho người lao động yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài.

Thông qua việc áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, hy vọng hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ phát triển theo hướng bền vững. Đến cuối năm 2024, cả nước đạt mục tiêu có 42,71% lao động trong độ tuổi tham gia chính sách; số người nhận chế độ bảo hiểm một lần giảm dần...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top