Ðánh thức tiềm năng Nặm Cứm

09:58 - Chủ Nhật, 03/11/2024 Lượt xem: 3393 In bài viết

ĐBP - Là một trong những bản nghèo nhất của tỉnh với gần 100% hộ nghèo, cận nghèo, nhưng nay, người dân bản Nặm Cứm, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) đang có hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo từ việc đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Du khách đến tham quan, trải nghiệm và lưu lại những bức ảnh tại rừng ban cổ ở Nặm Cứm.

Cảm hứng từ rừng ban cổ

Năm 2024, năm đầu tiên bản Nặm Cứm thu hút đông đảo khách thập phương đến. Họ đến đây với mong muốn được trải nghiệm, chứng kiến tận mắt và lưu lại những tấm hình với rừng ban cổ mà không phải nơi đâu cũng có. Anh Mùa A Lầu, trưởng bản Nặm Cứm, sinh ra, lớn lên ở đây nhưng chưa bao giờ thấy khách tham quan đến đông như vậy. Anh Lầu cho biết, du khách đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Có người ở Ðà Nẵng, người thì Hà Nội, Hải Phòng, có người còn ở tận TP. Hồ Chí Minh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, rừng ban cổ là lý do du khách tìm đến trong hành trình tham quan, trải nghiệm của mình.

Bản Nặm Cứm hiện có khoảng hơn 1.000 cây ban cổ, rải đều trên các triền đồi, xen kẽ bên các ngôi nhà của người dân. Hàng năm, cứ độ tháng 3 về, cả bản chìm trong sắc trắng hoa ban, tạo khung cảnh thơ mộng. Với sắc đẹp của rừng ban cổ, Nặm Cứm đang trên hành trình trở thành điểm đến lý thú, hấp dẫn của người dân, du khách khám phá, tìm tòi trải nghiệm.

Rừng ban cổ Nặm Cứm hiện nay có khoảng hơn 1.000 cây.

Nắm bắt tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng, với điểm nhấn là rừng ban cổ, sau khi khảo sát thực tế, huyện Mường Ảng quyết định triển khai xây dựng bản du lịch cộng đồng Nặm Cứm.

Ông Tô Trọng Thiện, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Với 73 hộ, 440 nhân khẩu (tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo 99%), nhiều năm qua, Nặm Cứm là một trong những bản đặc biệt khó khăn ở huyện. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chủ yếu là ý chí phấn đấu tự vươn lên của mỗi người dân chưa thực sự rõ ràng. Thậm chí, với tư duy lạc hậu, Nặm Cứm còn là nơi sinh con thứ 3 trở lên thuộc tốp đầu của huyện. Chính vì nghèo khó như vậy, nên bằng mọi cách chúng tôi phải tìm ra hướng phát triển kinh tế cho người dân càng sớm càng tốt. Và du lịch cộng đồng với điểm nhấn là rừng ban cổ đã được huyện lựa chọn thống nhất làm mô hình để triển khai xây dựng.

Với vẻ đẹp của rừng ban cổ ở Nặm Cứm, huyện Mường Ảng đang định hướng cho Nhân dân chung tay xây dựng bản du lịch cộng đồng.

Với mục tiêu xây dựng Nặm Cứm thành bản du lịch cộng đồng mang đặc trưng văn hóa dân tộc Mông trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng của rừng ban cổ thụ, UBND huyện Mường Ảng nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm và dịch vụ du lịch tại đây; kết hợp chặt chẽ việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên của địa phương; giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tăng cường sự tương tác trải nghiệm, hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt giữa du khách và người dân; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư phát triển du lịch đối với các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư; phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững...

Một góc bản Nặm Cứm.

Trăm tay hướng về một ngả

Ðến bản Nặm Cứm những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của người dân nơi đây khi họ được hàng chục cán bộ, đoàn viên thanh niên trong huyện chung tay giúp đỡ, kiến thiết xây dựng cơ sở hạ tầng theo phong cách của bản du lịch cộng đồng. Từng tảng đá được đục đẽo vuông vắn, xếp lên những cánh cổng, tường rào tạo nên điểm nhấn cổ kính, khác lạ và bắt mắt.

Cán bộ, đoàn viên thanh niên vận chuyển vật liệu giúp người dân Nặm Cứm xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông nông thôn.

Ông Vàng A Dế - một trong 5 hộ đăng ký xây dựng mô hình du lịch cộng đồng của bản Nặm Cứm chia sẻ: Sau 2 tháng triển khai với sự giúp đỡ của cán bộ xã, cán bộ huyện và đoàn viên thanh niên, giờ đây cơ sở của gia đình tôi đã dần hình thành như một homestay. Tôi đang hoàn thiện những bước cuối cùng, chỉ cần bổ sung giường, quạt và trang trí vườn hoa... là tháng 3 năm sau sẽ phục vụ được du khách đến trải nghiệm, lưu trú.

Ðiểm nhấn khu lưu trú của gia đình ông Vàng A Dế là các bức tường rào được xếp bằng đá - những vật liệu có sẵn ở bản.

Ông Tô Trọng Thiện cho biết thêm, huyện đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chung tay xây dựng bản du lịch cộng đồng. Tạo điều kiện để người dân đăng ký xây dựng các mô hình nhà ở theo văn hóa đặc trưng của dân tộc. Huyện sẽ hỗ trợ tối đa về nhân lực, ngày công lao động giúp bà con xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo không gian nhà ở, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển mô hình dịch vụ của gia đình. Sau đó sẽ mở các lớp tập huấn để người dân có thêm kiến thức trong kinh doanh các loại hình dịch vụ đi kèm...

Ông Vàng A Dế giới thiệu nơi lưu trú mới được xây dựng, sắp hoàn thành đưa vào đón khách vào mùa hoa ban năm 2025.

Ðến thời điểm hiện tại, các bước như: Ðầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan; phát triển nguồn nhân lực du lịch; công tác tổ chức, quản lý; các hoạt động xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch cộng đồng tại bản Nặm Cứm đang được huyện Mường Ảng triển khai đảm bảo tiến độ và kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, để phát triển du lịch bền vững, huyện đang chỉ đạo cơ quan chức năng giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ người dân khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tại bản Nặm Cứm, như: Tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian (ca dao, tục ngữ, hò, vè...); nghệ thuật trình diễn dân gian; kiến trúc nhà ở, duy trì lễ hội dòng họ; phục dựng một số nghề thủ công truyền thống (đan lát, chế tác khèn, dệt vải...).

Cán bộ, đoàn viên chung tay xây dựng con đường hoa, tạo điểm nhấn trên cung đường đến bản Nặm Cứm.

Nhằm tạo chiến dịch truyền thông rộng rãi để người dân, du khách biết đến bản du lịch cộng đồng Nặm Cứm, huyện dự kiến tháng 3/2025 sẽ tổ chức Lễ hội Hoa ban cổ ngay tại bản. Ðây là điểm nhấn quan trọng để Nặm Cứm đánh thức tiềm năng, từng bước tận dụng lợi thế để vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top