Góp sức vì sự phát triển của huyện vùng cao Mèo Vạc

15:44 - Thứ Hai, 11/11/2024 Lượt xem: 1241 In bài viết

Từ năm 2023 đến nay, Tổ chức Plan tại Hà Giang (Plan Hà Giang) tiếp tục để lại nhiều dấu ấn tích cực tại huyện Mèo Vạc khi triển khai đồng loạt 7 chương trình, dự án trên địa bàn huyện với tổng kinh phí tài trợ lên đến hơn 5,2 tỷ đồng. Đây là những chương trình, dự án mang ý nghĩa nhân đạo, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là trong bối cảnh tình hình KT – XH của huyện vẫn còn nhiều khó khăn.

Vừa qua, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Plan Hà Giang, khu vực bếp ăn bán trú của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Lũng Pù được mở rộng hơn 200m2. Điều này giúp giảm số ca học sinh phải chờ để ăn từ 4 ca xuống còn 1 - 2 ca với tổng số gần 500 em học sinh được hưởng lợi. Cũng nhờ vậy mà nhiều học sinh có thể ăn trưa cùng nhau và không bị tách thành từng nhóm hay phải tự tìm vị trí thích hợp để ngồi ăn. Các em cũng không phải ăn quá vội để dành chỗ cho những ca sau. Thay vào đó, các em có thêm thời gian để cùng nhau thưởng thức bữa trưa, tạo nên không khí vui tươi, đoàn kết.

Đại diện Plan Hà Giang tặng quà học sinh xã Lũng Pù đạt giải trong Hội thi Vẽ tranh truyền thông.

Bên cạnh đó, Plan Hà Giang còn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh về các rủi ro bảo vệ trẻ em tiềm ẩn, bạo lực giới trong trường hợp khẩn cấp và trong trẻ em gái. Trong năm tài chính 2024, Plan Hà Giang đã tổ chức 8 cuộc họp hội phụ huynh – giáo viên tại các trường trên địa bàn huyện Mèo Vạc với tổng số gần 600 người tham gia. Tại các buổi gặp gỡ, phụ huynh có thể chia sẻ về tình hình học tập của con; cách nhận biết các vấn đề, hiện tượng liên quan đến bạo lực giới, quấy rối, xâm hại tình dục ở trường nội trú, giữa các gia đình và cộng đồng; tác hại của tảo hôn, cách phòng ngừa và giải quyết các vấn đề. Qua đó, giúp phụ huynh hiểu hơn về các nguy cơ tiềm ẩn của bạo lực giới đối với trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ em kết hôn sớm và quấy rối, lạm dụng tình dục tại các trường. Từ đó, giúp tăng cường hơn nữa vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành cùng con cái về phòng ngừa và ứng phó sớm với những vấn đề này tại nhà trường, cộng đồng.

Không dừng ở đó, với mục tiêu chăm sóc trẻ thơ toàn diện cho các em trong độ tuổi từ 0 - 10 tuổi, trong năm tài chính 2024, Tổ chức Plan đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, Trạm y tế các xã trên địa bàn huyện Mèo Vạc tổ chức 144 buổi thăm khám thai cho các bà mẹ đang mang thai, trẻ em và người già tại các thôn khó tiếp cận với các dịch vụ y tế. Qua các buổi thăm khám, tư vấn đã giúp các bà mẹ được cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển theo từng giai đoạn. Đặc biệt, trong các chuyến thăm khám, đội y tế lưu động đã phát hiện 11 người có biểu hiện bất thường huyết áp cao, suy nhược cơ thể và được đưa lên tuyến trên chữa trị kịp thời.

Cùng với các hoạt động trên, Tổ chức Plan cũng triển khai các chương trình, dự án như: Tăng cường các kiến thức và kỹ năng an toàn trên không gian mạng nhằm bảo vệ thanh thiếu niên khỏi các hình thức bạo lực giới và buôn bán người; dự án trẻ em gái sẵn sàng cho tương lai; dự án thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em; các chương trình bảo trợ trẻ em. Qua các chương trình, dự án, Plan Hà Giang đã cấp phát hơn 2.200 chăn ấm cho trẻ em; phối hợp với các nhà trường tổ chức gần 2.000 tiết dạy cho học sinh về phòng, chống bạo lực giới; cấp phát 86 bộ bàn ghế, 8 bảng từ, 15 giường tầng, 24 bộ máy tính, xây mới 12 nhà vệ sinh, 1 nhà đa năng cho các trường trên địa bàn huyện.

Theo lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc, với xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, địa hình bị chia cắt mạnh, giao thông không thuận lợi, nhận thức của người dân không đều đã khiến tình hình phát triển KT – XH cũng như đời sống của người dân trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Song, được sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ của Tổ chức Plan trong nhiều năm qua đã góp phần giúp huyện tạo nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân mà còn thay đổi nhận thức cộng đồng theo hướng tiến bộ và văn minh hơn. Đây cũng là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững KT – XH địa phương.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Bình luận

Tin khác

Back To Top