Nguyên Bình tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát

23:01 - Thứ Hai, 18/11/2024 Lượt xem: 1341 In bài viết

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của người dân, nhiều nhà tạm, nhà dột nát (NT, NDN) tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố, vững chắc, giúp nhiều hộ khó khăn về nhà ở được an cư, lạc nghiệp, góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Qua rà soát, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Nguyên Bình có 2.840 hộ gia đình cần được hỗ trợ về nhà ở. Là hộ nghèo của xóm Lũng Nọi, xã Thể Dục, nhiều năm qua, gia đình anh Lý Văn Hiền sống trong ngôi nhà dột nát, luôn cảm thấy lo lắng, bất an mỗi khi mùa mưa đến. Cuộc sống khó khăn, sau nhiều năm tích góp, vợ chồng anh Hiền chưa đủ tiền xây nhà. Năm 2024, thông qua nguồn lực hỗ trợ làm nhà theo Đề án xóa NT, NDN, gia đình được hỗ trợ 44 triệu đồng, cùng với số tiền vay mượn thêm để làm nhà mới. Sau hơn 2 tháng, ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 100 m2 đảm bảo “3 cứng” đã gần xây xong do anh Hiền và vợ con tự làm tất cả các khâu để giảm bớt chi phí. Anh Hiền phấn khởi chia sẻ: Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, có được ngôi nhà kiên cố, gia đình tôi có chỗ ở ổn định, gia đình cố gắng phát triển kinh tế để cải thiện cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND xã Thể Dục Lãnh Thị Nguyệt cho biết: Qua rà soát, trên địa bàn xã có 66 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được phê duyệt hỗ trợ xóa NT, NDN. Đến nay, có 38 NT, NDN của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng làm mới, sửa chữa nhà ở, trong đó, 32 nhà làm mới, 6 nhà sửa chữa. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, kiến nghị cấp trên hỗ trợ người dân xóa NT, NDN, chỉ đạo các ngành, đoàn thể ủng hộ ngày công lao động giúp đỡ các hộ làm mới, sửa chữa nhà ở để ổn định cuộc sống.

Xác định xóa NT, NDN là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều có nhà ở ổn định, yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới thoát nghèo bền vững. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Mã Văn Vịnh, để thực hiện hiệu quả Đề án xóa NT, NDN, huyện thành lập Ban Chỉ đạo xóa NT, NDN, phân công các thành viên phụ trách địa bàn các xã, thị trấn phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của đề án đến cộng đồng dân cư, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách bằng nhiều hình thức, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ các gia đình khó khăn. 

Ngôi nhà của gia đình anh Lý Văn Hiền, xóm Lũng Nọi, xã Thể Dục (Nguyên Bình) được hỗ trợ xây dựng từ Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức rà soát, thẩm định, lập danh sách đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ xóa NT, NDN, đảm bảo chọn đúng người, đúng đối tượng để triển khai hỗ trợ phù hợp và hiệu quả. Chủ động xây dựng các phương án, giải pháp huy động nguồn lực, tập trung mọi lực lượng để hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, chi tiết, nghiêm túc, đúng tiến độ, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ xây dựng và sửa chữa nhà ở đúng quy định.

Cùng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực, vượt khó của các hộ và sự chung tay, góp sức của cộng đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, từ năm 2021 đến nay, huyện hỗ trợ 47,892 tỷ đồng xóa 1.154 NT, NDN; từ nguồn vận động xã hội hóa (Mặt trận Tổ quốc, Bộ Quốc phòng, Quân khu 1, Hội Cựu chiến binh...) thực hiện hỗ trợ 12,483 tỷ đồng xóa 291 NT, NDN. Dù nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế nhưng rất nhiều hộ đã xây dựng được nhà ở khang trang với nguồn lực đối ứng lớn hơn nhiều lần so với nguồn lực hỗ trợ. Hiện, toàn huyện còn 1.395 NT, NDN đang và sẽ thực hiện xóa trong thời gian tới. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện Đề án xóa NT,NDN trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn. Hiện nay, còn 785 nhà vướng về thủ tục đất đai (thuộc đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,...). Các hộ nghèo thật sự khó khăn, nhiều hộ phải vay thêm mới đủ khả năng thực hiện, có một số hộ không thể thực hiện do không có khả năng đối ứng; địa hình một số nơi đi lại không thuận tiện, vật liệu phải vận chuyển khó khăn khiến giá thành vật liệu xây dựng tăng, ảnh hưởng lớn đến quy mô, tiến độ xây dựng nhà ở cũng như việc lựa chọn vật liệu để làm nhà. Ngoài ra, phong tục tập quán (xem ngày làm nhà) và các yếu tố thời tiết, thiên tai trong thời gian qua  phần nào ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành theo đúng thời gian đã đăng ký từ ban đầu của các hộ gia đình.

Việc hỗ trợ người có công với cách mạng và hộ nghèo xóa NT, NDN không chỉ thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” tốt đẹp, mà còn là một trong những hoạt động quan trọng có ý nghĩa, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; người dân tập trung phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động nguồn lực để thực hiện đề án, hướng tới xóa toàn bộ NT, NDN trên địa bàn huyện vào năm 2025.

Hoài An
Bình luận

Tin khác

Back To Top