Gia tăng tảo hôn ở vùng cao

08:27 - Thứ Ba, 19/11/2024 Lượt xem: 3463 In bài viết

ĐBP - Với hơn 82% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Điều này để lại nhiều hệ lụy đối với cá nhân, gia đình và xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số, việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. 

S.T.S. ở xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông lấy chồng khi mới 14 tuổi. Chồng S. lúc đó cũng chỉ 16 tuổi, cả hai đều chưa đủ hiểu những thử thách mà cuộc sống hôn nhân sẽ đem lại. Khi các bạn đồng trang lứa còn đang cắp sách đến trường thì S. đã phải chuẩn bị làm mẹ. Bên cạnh khó khăn về sức khỏe, vợ chồng trẻ còn phải đối mặt với khó khăn về kinh tế khi hai vợ chồng S. phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình hai bên.

Kết hôn và sinh con quá sớm, khi các em chưa có đủ sự chuẩn bị cả về thể chất lẫn tinh thần để đảm nhận vai trò làm cha, làm mẹ. Độ tuổi này, lẽ ra các em vẫn đang ở trong môi trường học tập, vui chơi và phát triển thể trạng, thì lại phải đối mặt với những gánh nặng trong cuộc sống gia đình. Ngoài những vấn đề về sức khỏe, cuộc sống hôn nhân ở độ tuổi chưa trưởng thành còn tạo ra vô vàn thử thách về tinh thần và kinh tế. Các em thiếu kinh nghiệm sống, không có đủ nền tảng vững vàng để đối mặt với khó khăn trong việc quản lý gia đình, kiếm sống và nuôi dưỡng con cái.

Mới 16 tuổi, nhưng em M.T.C. ở xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông đã có con.

Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, n: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các ngành chức năng phối hợp với các tổ chức xã hội tổ chức tập huấn, truyền thông trực tiếp tại thôn, bản về quy định và những hệ lụy nghiêm trọng có thể gây ra cho sức khỏe, tâm lý và tương lai của thế hệ trẻ. Chính quyền địa phương chú trọng công tác quản lý, xử lý những trường hợp vi phạm...

Theo thống kê, từ năm 2021 - 2023, toàn tỉnh có 3.229 cặp vợ chồng tảo hôn (chiếm 28,5% tổng số cặp kết hôn) và 17 cặp hôn nhân cận huyết thống (chiếm 0,14%). Tảo hôn chủ yếu xảy ra trong cộng đồng dân tộc Mông, với độ tuổi kết hôn phổ biến từ 15 - 17 đối với nữ và từ 16 - 19 đối với nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 1.633 cặp kết hôn, trong đó có 644 cặp tảo hôn (bao gồm cả những trường hợp vợ hoặc chồng tảo hôn, hoặc cả hai), chiếm tỷ lệ lên tới 39,4%. Các huyện có tỷ lệ tảo hôn cao nhất là: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Điện Biên Đông.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xuất phát từ một loạt nguyên nhân. Đó là sự thiếu hiểu biết về tác hại của tảo hôn, đặc biệt là trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Nhiều người dân ở đây vẫn coi việc kết hôn sớm là bước trưởng thành tự nhiên mà không nhận thức được những nguy cơ về sức khỏe, tâm lý và tương lai của các em gái. Thiếu kinh nghiệm sống khiến các em không thể lường trước được những hậu quả nghiêm trọng của việc lập gia đình quá sớm.

Cán bộ y tế xã Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông) tuyên truyền kiến thức sức khỏe sinh sản cho vợ chồng em C.A.H. và S.T.Đ. kết hôn khi chưa đủ tuổi.

Việc thiếu cơ hội giáo dục và phát triển nghề nghiệp là một yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng tảo hôn. Áp lực kinh tế trong các gia đình nghèo khiến nhiều phụ huynh thúc giục con cái lập gia đình sớm với hy vọng giảm bớt gánh nặng cho gia đình hay thêm nhân lực lao động. Thêm vào đó, sự thiếu giám sát và can thiệp kịp thời từ chính quyền, cơ quan liên quan cũng là nguyên nhân khiến gia tăng trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Theo ông Mùa Thanh Sơn, Trưởng ban Dân tộc (HĐND tỉnh), để thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”, các cơ quan liên quanchính quyền địa phương cần phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Hoạt động tuyên truyền cần được đổi mới về cả hình thức và nội dung cho phù hợp với từng địa bàn và nhóm đối tượng, đặc biệt là đối với lứa tuổi vị thành niên, học sinh các trường phổ thông. Ngoài ra, cần tích hợp việc triển khai Đề án vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của các địa phương, đơn vị.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã triển khai 24 mô hình điểm “bản không có tảo hôn”. Các địa phương phối hợp với cơ quan y tế xây dựng mô hình điểm và mô hình chuyên đề “Can thiệp tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, tổ chức 268 buổi sinh hoạt câu lạc bộ truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tổ chức ký kết cam kết xây dựng các bản không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa ra mắt tổ truyền thông cộng đồng và truyền thông phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. (Ảnh CTV)

Đây là những mô hình cần được nhân rộng tại những địa bàn có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao hoặc có nguy cơ lớn, đặc biệt chú trọng tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, THCS và THPT trên địa bàn.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thng dẫn đến tình trạng thiếu thốn về vật chất, khi trẻ em sinh ra không được chăm sóc đầy đủ về y tế, giáo dục và tinh thần. Việc xóa bỏ hủ tục này là một nhiệm vụ cấp bách, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân để thay đổi nhận thức của một bộ phận dân cư vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để kết hôn không còn là "vấn nạn" mà là sự lựa chọn đúng đắn, mang lại hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top